Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bài 32: Cần biện pháp ngăn chặn chủ đầu tư và nhà thầu “đi đêm”

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Nhiều chuyên gia ngành năng lượng đã không ít lần lên tiếng khẳng định, các doanh nghiệp Trung Quốc rất biết cách "chiều" các chủ đầu tư Việt Nam.

(ĐSPL) - Nhiều chuyên gia ngành năng lượng đã không ít lần lên tiếng khẳng định, việc các doanh nghiệp Trung Quốc rất biết cách "chiều" các chủ đầu tư Việt Nam chính là một trong những nguyên nhân quan trọng để nhà thầu nước này "ôm" hầu hết các dự án nhiệt điện trong nhiều năm qua.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về vấn đề này, TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, cần phải có một hành động chấm dứt được sự "tương tác" tiêu cực giữa nhà thầu và chủ đầu tư.

 TS.Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

Phải "cắt đứt" tình trạng "đi đêm" của nhà thầu

Thưa ông, các quy định về hoạt động đấu thầu của nước ta hiện nay đưa ra rất nhiều yêu cầu đối với các nhà thầu, tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít hạn chế lại xuất phát từ các chủ đầu tư. Phải chăng chủ đầu tư trong nước đang tỏ ra họ kém cả về chuyên môn và kinh nghiệm?

Tôi thấy rằng, trong các quy định đấu thầu hiện hành liên quan đến các gói thầu xây lắp trong xây dựng, Luật Đấu thầu đưa ra rất nhiều quy định yêu cầu nhà thầu phải đáp ứng nếu muốn dự thầu.

Trong khi đó, các quy định trong hoạt động đấu thầu chưa làm rõ được trách nhiệm của bên mời thầu là ban quan lý dự án đã chuẩn bị đủ tài chính chưa? Đấu thầu là một nghiệp vụ, vì vậy, cần phải do những người chuyên nghiệp, nắm vững về nghiệp vụ thực hiện.

Ở nước ta, thời gian qua tồn tại tình trạng các chủ dự án lập ra ban quản lý dự án đảm nhiệm công việc này nhưng họ lại thiếu từ vốn, kinh nghiệm và năng lực. Thực tế nhiều dự án ban quản lý không có đủ tính chuyên nghiệp cộng với luật "hở" khiến các nhà thầu nước ngoài lần lượt chiếm hết các công trình lớn, quan trọng.

Nhiều người cho rằng, việc các nhà thầu Việt Nam phải đứng "ra rìa"  trong hầu hết dự án nhiệt điện không đơn thuần do năng lực yếu, kém kinh nghiệm mà có sự tiêu cực giữa nhà thầu và chủ đầu tư. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Nhìn thấy điều đó từ lâu nên đã rất nhiều lần tôi lên tiếng đề xuất thành lập ba trung tâm đấu thầu chuyên nghiệp tổ chức đấu thầu các dự án có vốn Nhà nước tại ba miền Bắc - Trung - Nam.

Theo đó, những dự án trong lĩnh vực xây lắp có vốn Nhà nước tại các địa phương đều phải thông qua các trung tâm này tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp, hạn chế gian lận.

Việc đấu thầu qua các trung tâm thứ nhất sẽ chấm dứt tình trạng nhiều đơn vị dù không có chuyên môn nhưng vẫn tự đứng ra tổ chức đấu thầu. Các Trung tâm giao dịch xây dựng độc lập nếu được thành lập sẽ tách bỏ được sự tương tác trực tiếp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, từ đó có thể hạn chế và chấm dứt các tiêu cực trong hoạt động đấu thầu hiện nay như hiện tượng thông thầu, "quân xanh quân đỏ".

Lực lượng công an kinh tế cũng có thể dễ dàng tiếp cận, giám sát và phanh phui các tiêu cực, các hoạt động "đi đêm" của nhà thầu và chủ đầu tư.

Vậy các trung tâm đấu thầu này sẽ do cơ quan nào quản lý, thưa ông?

Các trung tâm đấu thầu sẽ trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cụ thể là Cục Đấu thầu của Bộ này quản lý.

Tuy nhiên, phó Giám đốc thường trực phải do Bộ Xây dựng bổ nhiệm vì đây là quản lý hoạt động đấu thầu trong lĩnh vực xây lắp và cũng để tạo cơ chế minh bạch thông tin.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư khi giao dự án cho trung tâm đương nhiên sẽ có sự giám sát việc tổ chức đấu thầu. Từ đó tạo ra cơ chế giám sát lẫn nhau, hạn chế được tiêu cực.

Cần có biện pháp ngăn chặn việc chủ đầu tư và nhà thầu “đi đêm”.

Đấu thầu ở Việt Nam rất "bở"?

Trong các dự án nhiệt điện hiện nay ở Việt Nam chỉ mỗi Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) có kinh nghiệm làm tổng thầu, còn các doanh nghiệp khác hầu như đứng ngoài cuộc chơi. Ông có thể lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Ai cũng nhìn nhận ra rằng, việc phát triển được ngành xây dựng các nhà máy nhiệt điện sẽ giúp được các ngành khác phát triển như ngành cơ khí, ngành vật liệu xây dựng...

Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta để các nhà thầu Trung Quốc liên tiếp trúng thầu, họ mang vật liệu, máy móc sang khiến các ngành này ở Việt Nam không có cơ hội học tập và phát triển.

Theo đúng như kế hoạch, ngành xây dựng của nước ta mỗi ngày cần phải nâng cao hơn nữa về kinh nghiệm và chuyên môn để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, tôi không hiểu vì sao các chủ đầu tư của chúng ta tổ chức đấu thầu kiểu gì mà các doanh nghiệp trong nước mất trắng cơ hội làm ăn và không học hỏi được bất cứ thứ gì. Thậm chí, năng lực của các nhà thầu nội càng ngày càng thấp.

Chúng ta phải đặt câu hỏi, tại sao ngành nhiệt điện của chúng ta phát triển hàng mấy chục năm nhưng chỉ duy nhất Lilama mới có đủ khả năng làm tổng thầu ở một số dự án. Vậy lỗi của doanh nghiệp hay do đâu? Tôi chắc rằng Lilama không yếu nhưng do đấu thầu không được nên họ phải "ra rìa". Bởi ngày trước chúng ta chưa có nhiều công nghệ nhưng vẫn có thể làm được thủy điện Sông Đà và một số công trình nhiệt điện...

Phải chăng hàng rào kỹ thuật và năng lực của chủ đầu tư yếu khiến các nhà thầu Trung Quốc liên tục thắng thầu?

Theo tôi, cần phải ban hành quy định về việc khi nhà thầu nước ngoài vào Việt Nam phải liên danh với doanh nghiệp trong nước để thi công các dự án.

Bên cạnh đó, họ phải sử dụng nhà thầu phụ trong những hạng mục mà doanh nghiệp Việt Nam có thể thi công được. Chủ đầu tư sẽ là đơn vị giám sát công việc này. Vì chỉ khi nhà thầu phụ của chúng ta vào được nhà máy nhiệt điện thì mới hy vọng tỉ lệ nội địa hóa cho ngành cơ khí và tạo việc làm cho lao động trong nước.

Tuy nhiên, từ trước đến nay tôi chưa thấy chủ đầu tư của Việt Nam thực hiện được điều đó. Tôi thấy rằng các nước khác có hàng rào kỹ thuật rất cao nhưng Việt Nam thì cái hàng rào này quá hời hợt. Tôi đã từng đọc một tài liệu của Trung Quốc có nói rằng, Luật Đấu thầu ở Việt Nam rất "bở", rất dễ dàng để vào và giành phần thắng.

Thưa TS., ông có bình luận gì về việc thời gian qua lao động trong nước đang bị "cướp việc" trên chính sân nhà?

Việc các nhà thầu Trung Quốc đưa từ công nhân quét rác đến người nấu ăn sang Việt Nam cũng do chúng ta sơ hở.  Bởi luật quy định rằng nhà thầu nước ngoài chỉ được tuyển lao động nếu như lao động trong nước không đáp ứng được.

Vậy là nhà thầu Trung Quốc "chơi trò" tuyển toàn kỹ sư. Bởi họ biết chắc rằng làm gì có đội ngũ kỹ sư nào của Việt Nam có tay nghề, có thể thi công được các dự án có trình độ cao như nhà máy nhiệt điện lại đang thất nghiệp.

Lâu nay ta thấy rằng, lao động Việt Nam chỉ vào làm việc được ở các dự án nhiệt điện khi nhà thầu trong nước được làm thầu phụ. Tuy nhiên, việc tổng thầu Trung Quốc đánh đố, loại các nhà thầu Việt Nam ra rìa thì đồng nghĩa với việc tỉ lệ lao động trong nước ở trong các nhà máy này bằng 0\%.

Thực tế cho thấy, việc thất thế trên sân nhà cũng một phần do năng lực của các nhà thầu còn chưa đáp ứng được vị trí tổng thầu EPC. Vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì trong thời điểm này?

Muốn phát triển và cạnh tranh được "dài hơi", các doanh nghiệp Việt Nam phải phát triển từ nội lực. Nghĩa là bản thân ngành xây dựng phải đổi mới hoàn toàn. Tôi chỉ nói riêng về vấn đề máy móc và nhân công, trước đây các nhà thầu Việt Nam thường tuyển rất đông lao động rồi phải è cổ ra nuôi số lượng này.

Trong khi đó các doanh nghiệp trên thế giới thường tuyển rất ít lao động nhưng họ xây dựng được đội ngũ nòng cốt ở tất cả các khâu như làm hồ sơ thầu, đấu thầu, tư vấn, thiết kế, còn nhân công thì họ đi thuê ở các doanh nghiệp chuyên đào tạo lao động. ở Trung Quốc, về khoản máy móc, thiết bị họ cũng có các công ty cho thuê.

Khi nhà thầu nào cần thì họ có thể đến đó thuê máy móc chứ không cần phải mua cho tốn tiền. Từ trước đến nay, nước ta cũng có một số doanh nghiệp chuyên cho đi thuê lao động và máy móc nhưng quy mô rất nhỏ, lẻ và chưa có những máy móc hiện đại.          

Xin cảm ơn ông!

"Theo tôi nghĩ, Nhà nước cũng cần phải tạo điều kiện và có thời gian cho các nhà thầu "học việc" thì sau mới cạnh tranh được. Trong việc thi công dự án nhiệt điện, các doanh nghiệp của chúng ta giờ chỉ như cậu bé 7-8 tuổi làm sao cạnh tranh với "anh thanh niên" là các nhà thầu nước ngoài ngay được. Chúng ta cũng không nên hiểu từ "cạnh tranh" một cách máy móc, đơn giản quá".

Tin nổi bật