Sáng qua (17/11), Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ VI "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực" do Hội luật gia Việt Nam, Học viện Ngoại giao Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông đồng tổ chức đã khai mạc tại thành phố Đà Nẵng.
Hơn 200 chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế tham dự hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 tại Đà Nẵng. |
Trong ngày làm việc đầu tiên của hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6, các đại biểu tham dự hội thảo và các học giả đã đi sâu phân tích các nhân tố tác động tới tình hình Biển Đông, vai trò của các lực lượng hoạt động trên biển đối với an toàn và an ninh hàng hải trong khu vực, hiện trạng tranh chấp trên Biển Đông và chính sách của các bên liên quan.
Phân tích các nhân tố tác động đến tình hình Biển Đông gần đây, các học giả nhận định có bốn nhân tố lớn sau:
Thứ nhất, là sự thay đổi trong tính toán của một số nước về lợi ích chiến lược của các bên và cán cân sức mạnh giữa các quốc gia.
Thứ hai, là sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc ở tất các bên tranh chấp, trong đó có chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở một số nước.
Thứ ba, là sự cạnh tranh ảnh hưởng và tập hợp lực lượng giữa các cường quốc.
Và thứ tư, là sự bất đồng trong việc việc lý giải và áp dụng luật pháp quốc tế tại Biển Đông.
Đánh giá về tình hình Biển Đông gần đây và chính sách của các bên liên quan, nhiều học giả cho rằng sự gia tăng về số lượng và cường độ hoạt động của các lực lượng quân sự và bán quân sự tại Biển Đông dẫn tới tình hình căng thẳng tại Biển Đông trong thời gian gần đây. Nhiều học giả cảnh báo, việc Trung Quốc mở rộng bồi đắp quy mô lớn các bãi đá ở Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) sẽ làm “thay đổi cuộc chơi”, làm gia tăng yêu sách, gia tăng cạnh tranh nước lớn và nguy cơ xung đột tiềm tàng ở Biển Đông.
Theo các học giả, sự gia tăng căng thẳng gần đây tại Biển Đông không chỉ có khả năng tác động tiêu cực tới việc bảo tồn và phát triển các nguồn tài nguyên biển tại khu vực mà còn đe dọa an ninh các tuyến đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông.
Về vấn đề này, có học giả cảnh báo nghịch lý, trong khi cộng đồng khu vực rất nỗ lực tránh để xảy ra xung đột, một số nước lại đang tạo ra các căng thẳng ở mức độ thấp vì tin rằng chừng nào chưa có đối đầu trực diện thì tình hình vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát. Đây là dấu hiệu rất nguy hiểm vì Biển Đông còn thiếu vắng một Bộ Quy tắc ứng xử hoặc một Điều ước quản lý va chạm, xung đột trên biển có tính ràng buộc pháp lý.
Tuy nhiên, các học giả cũng nhận định rằng, bên cạnh các yếu tố làm phức tạp thêm tình hình khu vực, có hai yếu tố giúp thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông mà các bên cần phát huy là nhu cầu đối với tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế bao gồm việc đảm bảo năng lượng, quản lý và phát triển các nguồn hải sản; bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên các tuyến đường vận tải biển quốc tế.
Nhiều học giả đánh giá cao nỗ lực thiết lập đường dây nóng giữa các bên ở Biển Đông; tuy nhiên, cho rằng việc thiết lập đường dây nóng cần kết hợp với cơ chế thực hiện cụ thể nhằm đưa đường dây nóng vào hoạt động hiệu quả. Một số ý kiến đề xuất xây dựng Quy chế sử dụng Đường dây nóng với việc xác định rõ quy trình liên lạc, xử lý thông tin giữa người gọi và người nhận; thiết lập cơ chế “trực đường dây nóng” và các kênh kết nối “đường dây nóng” giữa các lực lượng khác nhau có mặt trên thực địa.
Hôm nay (18/11), hội thảo sẽ tiếp tục với bốn phiên thảo luận về quy định pháp luật quốc tế điều chỉnh về quy chế của lãnh thổ, vùng biển và vùng trời, các yêu sách tại Biển Đông và giải quyết tranh chấp biển; và các biện pháp xây dựng lòng tin và ngăn ngừa xung đột hàng hải.