Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 31/10, được dẫn lời trên báo Dân trí, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng, việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc rút đi chỉ làm tình hình biển Đông lắng dịu tạm thời, thời gian tới có thể nhiều sự việc còn phức tạp hơn. Do vậy, đại biểu đề nghị phải có cách đối phó lâu dài với các sự kiện thường xuyên ở biển Đông.
Đồng quan điểm, đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) lên tiếng: “Chúng ta phải tự cảnh giác, không nên nhẹ dạ cả tin. Nghĩ cho cùng thì yêu nhau cũng cứ phải rào giậu thật kỹ đừng để đối phương đánh lạc hướng. Nước lớn toàn chơi mẹo vặt thôi! Việc này Phật giáo chúng tôi rất hiểu”.
Về vấn đề Biển Đông, đại biểu Thích Thanh Quyết cho rằng Việt Nam phải cảnh giác, có cách đối phó lâu dài (Ảnh Dân trí). |
Cùng vấn đề trên, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho biết, ngay trong khi giàn khoan Hải Dương 981 khoan thăm dò phi pháp trên vùng biển Việt Nam, Trung Quốc đã khẩn trương xây dựng công trình trên các đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng đoạt. “Giàn khoan rút đi nhưng những công trình kiên cố của Trung Quốc trên biển Đông của Việt Nam mãi còn ở lại”, đại biểu Lê Nam nói.
Theo tin tức trên báo Infonet, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đánh giá, trong năm 2014, “cú đấm” giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã được hóa giải, tăng trưởng dương, an ninh trật tự ổn định, chính trị an toàn xã hội được cơ bản được đảm bảo. Đây là công lao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Song công lao lớn nhất này thuộc về 90 triệu nhân dân, công nhân, nông dân, cán bộ chiến sĩ cả nước.
Tuy nhiên, dù giải quyết được vấn đề này nhưng ý kiến của đại biểu vẫn tỏ ra bức xúc khi nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế còn lệ thuộc vào Trung Quốc.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa lý giải: “Lệ thuộc ở đây theo nghĩa muốn dứt ra mà không dứt được, biết không tốt, không hay mà vẫn phải tiếp tục. Điều này diễn ra trên nhiều lĩnh vực như xuất nhập khẩu, nguyên vật liệu, phụ liệu, khai thác khoáng sản, nhân công, hàng tiêu dùng, đấu thầu…".
"Một nước có tiềm năng nông nghiệp nhưng lại phải nhập khẩu nông sản của Trung Quốc. Chúng ta có toàn quyền tổ chức đấu thầu, chấm thầu nhưng lại để lọt những dự án kém chất lượng? Tại sao thương lái Trung Quốc có thể sang tận Việt Nam thu mua nông sản?", đại biểu này liên tiếp đặt câu hỏi.
Theo ông Trương Trọng Nghĩa, nếu chúng ta giao quyền, giao tài sản cho những người kém cỏi về năng lực và đạo đức, lại tham lam, người ta chưa mua đã chủ động bán, thậm chí buộc người ta phải hối lộ như một điều kiện làm ăn với mình thì làm sao tránh khỏi lệ thuộc?
Trước vấn đề này, vị đại biểu đoàn TP.HCM cho rằng, Việt Nam cần xem lại mình, có đối sách khôn khéo trong xử lý mối quan hệ thương mại với Trung Quốc, đồng thời đa dạng hóa, đa phương hóa các đối tác và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do.
Video có thể bạn quan tâm:
Trung Quốc dùng thủ đoạn mới để chiếm Biển Đông