Đóng

Người phụ nữ bị 70 con ong vò vẽ tấn công khi đang tập thể dục

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Khi đang đi tập thể dục gần nhà, người phụ nữ 61 tuổi bất ngờ bị đàn ong vò vẽ tấn công, bà nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc phản vệ độ 3, biến chứng suy gan,...

Theo thông tin từ Tạp chí Tri thức, một phụ nữ 61 tuổi ở TP.HCM bất ngờ bị đàn ong vò vẽ tấn công khi đang đi tập thể dục gần nhà. Với hơn 70 vết đốt trên cơ thể, bà nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc phản vệ độ 3, biến chứng suy gan, suy thận, suy hô hấp cấp và tiêu cơ vân, những tình trạng có thể cướp đi tính mạng chỉ trong thời gian ngắn nếu không được can thiệp kịp thời.

Ngay sau khi tai nạn xảy ra, người nhà lập tức đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn. Chỉ trong vòng 40 phút sau khi bị đốt, bà đã được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu và bắt đầu quá trình điều trị khẩn cấp.

Bệnh nhân được lọc máu liên tục, thở máy, hỗ trợ đa cơ quan, nâng đỡ huyết động và kiểm soát nhiễm trùng. Sau 10 ngày, người bệnh qua cơn nguy kịch, chức năng các tạng cải thiện, được rút ống nội khí quản.

Bác sĩ Tân thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: VnExpress.

Trao đổi trên VnExpress, BS.CK1 Lại Thanh Tân, khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, ong vò vẽ đốt không chỉ gây đau và sưng tấy đơn thuần như nhiều người lầm tưởng. Nọc độc của loài ong này chứa nhiều enzym và độc tố mạnh, có thể gây phản ứng phản vệ, sốc nhiễm độc, tổn thương gan thận, rối loạn đông máu và suy đa cơ quan, nhất là với người có bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, suy giảm miễn dịch... Nếu không xử trí kịp thời, nạn nhân rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ Tân cảnh báo, lượng độc tố từ ong vò vẽ nếu đi vào cơ thể với số lượng lớn có thể nhanh chóng đạt ngưỡng nguy hiểm, gây nguy kịch cho tính mạng, đặc biệt khi bị đốt hàng chục vết cùng lúc.

Với các trường hợp bị ong đốt, điều quan trọng đầu tiên là phải rời khỏi khu vực có ong ngay lập tức để tránh bị đốt thêm. Người bệnh tuyệt đối không nên gãi hay cố nặn vết đốt vì có thể khiến độc tố lan rộng. Nếu còn thấy ngòi đốt, cần loại bỏ một cách nhẹ nhàng, sau đó rửa sạch bằng nước muối sinh lý hoặc dưới vòi nước và chườm lạnh để giảm sưng đau.

"Nếu có biểu hiện khó thở, chóng mặt, buồn nôn, sưng to vết đốt nên đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí. Việc can thiệp kịp thời, đúng phác đồ và theo dõi sát đã giúp người bệnh thoát khỏi nguy kịch và phục hồi tốt", bác sĩ Tân chia sẻ.

Tin nổi bật