Đóng

Chuyên gia cảnh báo căn bệnh nguy hiểm đang trẻ hóa: "Đừng đợi chân sưng, gân tím mới đi khám"

  • Mộc Trà
(DS&PL) -

Chuyên gia cảnh báo căn bệnh suy giãn tĩnh mạch đang ngày càng trẻ hóa và gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị sớm.

Trao đổi với PV ĐS&PL, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Đột quỵ, Bệnh viện đa khoa Phương Đông cho biết, suy giãn tĩnh mạch mạn tính là tình trạng hệ thống tĩnh mạch, chủ yếu ở chi dưới, mất khả năng đưa máu trở về tim, khiến máu ứ đọng ở chân. Biểu hiện ban đầu có thể chỉ là cảm giác nặng chân, tê mỏi, chuột rút ban đêm. Dần dần, người bệnh có thể thấy chân sưng, đau nhức, nổi gân xanh hoặc gân tím dưới da, thậm chí loét da, viêm da vùng cổ chân đặc biệt ở giai đoạn muộn.

Nếu không tập thể dục thường xuyên, cùng với đặc thù công việc phải ngồi hoặc đứng trong thời gian dài sẽ làm tăng áp lực trong tĩnh mạch và “giãn không hồi phục” tĩnh mạch do ứ máu. Dần dần, tình trạng này gây suy yếu các van tĩnh mạch, khiến bạn có nguy cơ bị suy tĩnh mạch. Bên cạnh đó, hiện tượng cục máu đông trong hệ tĩnh mạch sâu ở chân (huyết khối tĩnh mạch sâu) cũng là nguyên nhân gây suy van tĩnh mạch mạn tính.

Căn bệnh ngày càng trẻ hóa

Theo BS Mạnh, những đối tượng dễ mắc suy giãn tĩnh mạch thường gặp ở người lớn tuổi, tính chất công việc ngồi lâu (như: giáo viên, văn phòng, công nhân, lái xe…), người béo phì, người hay sử dụng rượu bia thuốc lá...đối tượng dân văn phòng lười vận động, nguy cơ ở nữ mắc suy giãn tĩnh mạch cao gấp 3 lần nam. Đặc biệt, hiện nay suy giãn tĩnh mạch đang có xu hướng trẻ hóa. "Trước đây, suy giãn tĩnh mạch thường xuất hiện ở người trung niên và cao tuổi, nhưng hiện nay, nhiều người chỉ mới 25-30 tuổi đã bắt đầu có biểu hiện bệnh", bác sĩ Mạnh nói.

Theo thống kê từ Bệnh viện Việt Đức, năm 2014 chỉ có trên 40% bệnh nhân đến khám mắc suy giãn tĩnh mạch, ở Bệnh viện Bạch Mai là 35%. Tuy nhiên sau 10 năm, con số tăng lên ước tính khoảng 60% số lượng bệnh nhân đến khám được chẩn đoán mắc căn bệnh này.

Hình ảnh bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch nặng. Ành: BSCC

“Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), loét chân tĩnh mạch khó lành, nhiễm trùng, thậm chí có thể đe dọa tính mạng nếu huyết khối di chuyển lên phổi”, BS Mạnh nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia, hiện nay, suy giãn tĩnh mạch mạn tính có thể điều trị bằng nhiều phương pháp từ dùng thuốc, mang vớ y khoa, đến can thiệp bằng laser nội mạch hoặc phẫu thuật tuỳ theo mức độ bệnh.

“Ngoài ra, thành công cũng cần phải có sự phối hợp từ người bệnh, thay đổi lối sống, năng vận động thể thao, hạn chế ngồi lâu, giảm cân nếu thừa cân, cai thuốc lá rượu bia, kết hợp việc điều trị sớm sẽ giúp cải thiện triệu chứng rõ rệt và làm chậm tiến triển bệnh”, BS Mạnh nói.

Đáng chú ý, tất y khoa là một phương pháp điều trị bảo tồn đơn giản nhưng hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều người Việt vẫn chưa quen với việc sử dụng, hoặc chọn sai loại vớ, sai cách đeo khiến hiệu quả điều trị không như mong đợi.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi có các dấu hiệu bất thường như tê chân, nặng chân, nổi tĩnh mạch, chuột rút về đêm… người dân nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám chẩn đoán hiệu quả và không xâm lấn.

“Đây không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà còn là sức khỏe lâu dài của hệ tuần hoàn. Suy giãn tĩnh mạch mạn tính không điều trị sớm sẽ trở thành gánh nặng thực sự cho người bệnh”, BS Mạnh cho hay.

Sau khi hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump với đôi chân sưng nhẹ và vết bầm trên tay xuất hiện trên truyền thông, ngày 17/7 Nhà Trắng đã lên tiếng xác nhận nguyên nhân, đồng thời khẳng định tình trạng sức khỏe tổng thể của vị Tổng thống 79 tuổi vẫn rất tốt.

Theo thông báo từ phát ngôn viên Karoline Leavitt, kết quả kiểm tra y tế cho thấy ông Trump mắc chứng suy tĩnh mạch mạn tính, một tình trạng phổ biến ở người cao tuổi.

Tin nổi bật