Đóng

Mỗi ngày nên uống bao nhiêu nước?

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Nhu cầu nước uống có thể thay đổi tùy theo nhiều yếu tố, bao gồm tuổi tác, giới tính, mức độ vận động, tình trạng sức khỏe, cũng như khí hậu và độ cao nơi bạn sống.

Nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày?

Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày là lời khuyên quá quen thuộc đối với nhiều người. Thế nhưng, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này. Đối với một số người, họ duy trì uống 2 lít nước mỗi ngày là đủ nạp cho cơ thể nhưng những người khác có thể cần uống lượng nước nhiều hơn.

VnExpress dẫn thông tin từ Eating Well cho biết, theo khuyến nghị của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ, lượng nước lý tưởng mỗi ngày cho người trưởng thành sống tại vùng khí hậu ôn hòa là 2,7 lít (11,5 cốc) đối với phụ nữ và 3,7 lít (15,5 cốc) đối với đàn ông, bao gồm cả lượng nước từ thức ăn và thức uống.

Được biết, khoảng 20% lượng nước hàng ngày tới từ thực phẩm, ví dụ như trái cây và rau quả. Do khó xác định chính xác lượng nước có được từ thức ăn nên một cách ước lượng nhanh là uống 8 - 10 cốc nước mỗi ngày.

Lượng nước bạn cần nạp mỗi ngày sẽ thay đổi trong suốt cuộc đời của bạn. Ảnh minh họa: Shutterstock

Nhu cầu nước uống có thể sẽ thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, gồm tuổi tác, giới tính, mức độ vận động, tình trạng sức khỏe, cũng như khí hậu và độ cao nơi sống. Nếu bạn hoạt động nhiều hoặc là sống ở vùng khí hậu nóng, bạn có thể cần nhiều nước hơn để bù lại lượng nước mất đi qua mồ hôi.

Theo nghiên cứu, nhu cầu nước có thể tăng đáng kể đối với các vận động viên hoặc là trong quá trình tập luyện cường độ cao, cơ thể có thể sẽ mất từ 1- 3 lít nước mỗi giờ.

Lượng nước bạn cần nạp mỗi ngày thay đổi trong suốt cuộc đời của bạn, theo thông tin trên VTC News. Nói chung, nhu cầu uống nước của chúng ta sẽ cao nhất ở độ tuổi 20 – 50, sau đó giảm xuống do quá trình trao đổi chất chậm lại. 

Nên uống nước lúc nào?

Câu trả lời rất đơn giản, đó là uống khi bạn cảm thấy khát và hãy lắng nghe cơ thể. Những dấu hiệu dưới đây sẽ cho thấy cơ thể bạn đang gặp phải tình trạng thiếu nước:

- Đói và thèm đồ ngọt: Cơ thể bị thiếu nước sẽ gây ra cảm giác đói và thèm ăn, đặc biệt là đồ ngọt.

- Đi tiểu ít, giảm lượng nước tiểu: Nếu như số lần đi tiểu trong ngày chỉ khoảng 2 - 3 lần hoặc là không đi tiểu trong nhiều giờ thì đây chính là biểu hiện của cơ thể đang bị thiếu nước.

- Nước tiểu có màu sẫm, đặc: Nước tiểu sẫm màu hơn và đậm đặc hơn có thể cho thấy bạn đang ở trong tình trạng mất nước.

- Khô da: Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi cơ thể bạn bị thiếu nước.

- Miệng khô và có mùi hôi: Cơ thể bị thiếu nước thì sẽ giảm tiết nước bọt, khiến miệng bị khô, có mùi hôi.

- Nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai: Cơ thể bị thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của não và hệ tuần hoàn, dẫn đến các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai.

Nếu cơ thể bạn đang gặp phải tình trạng thiếu nước thì sẽ xuất hiện một số dấu hiệu. Ảnh minh họa

Dấu hiệu cho thấy bạn đã uống đủ nước được cho là khi bạn hiếm khi cảm thấy khát, da có sự đàn hồi, màu nước tiểu rất nhạt và có ít hoặc là không có mùi.

Nước lọc được khuyến nghị sử dụng nhằm giải khát và cung cấp nước cho cơ thể. Ngoài nước lọc, bạn có thể hấp thụ nước thông qua các đồ uống khác hoặc là thực phẩm có hàm lượng nước cao, chẳng hạn như trái cây và rau quả. Nhìn chung, bạn hãy ưu tiên uống nước, cố gắng tránh các loại đồ uống chứa đường, có thể gây ra những vấn đề về trao đổi chất.

Tin nổi bật