Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người đồng hành cùng thân chủ đi tìm công lý

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Là luật sư trẻ trong lĩnh vực tranh tụng, luật sư Huỳnh Mỹ Long - Đoàn luật sư TP Hà Nội đã bào chữa miễn phí cho nhiều vụ án...

(ĐSPL) - Là luật sư trẻ trong lĩnh vực tranh tụng, luật sư Huỳnh Mỹ Long - Đoàn luật sư TP Hà Nội đã bào chữa miễn phí cho nhiều vụ án. Nhân dịp năm mới, luật sư đã chia sẻ câu chuyện về quá trình đồng hành cùng thân chủ đi tìm công lý.

Tháng 10/2015, luật sư (LS) Huỳnh Mỹ Long nhận được cuộc điện thoại và được đề nghị tư vấn pháp luật cho người thân trong gia đình đang vướng vòng lao lý. Đầu dây bên kia là một cô gái trình bày: Luật sư ơi, xin cứu mẹ em với, mẹ em bị oan lắm. gia đình em ở thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Cuối tháng 7/2015, mẹ em đi chơi với chị bạn đến nơi trọ của bạn trai chị ấy ở xã Nam Tiến, Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Tại nơi trọ của ông ta, do bận bán hàng nên ông không ở nhà, chỉ mở cửa rồi mời hai người bạn vào nhà. Mẹ em cùng chị bạn ở lại chơi chừng 1 tiếng rồi về. Ngay tối hôm đó, bạn trai của chị bạn của mẹ em gọi điện thoại cho mẹ em và cho rằng mẹ em đã lấy trộm một số tiền, vàng mà ông ta cất giữ trong nhà. Mẹ em không hề biết về số tiền và vàng đó và nói là không lấy. Vài ngày sau mẹ em bị công an thị xã Phổ Yên triệu tập lấy lời khai và khởi tố. Đến nay mẹ em sắp bị đưa ra xét xử tại TAND thị xã Phổ Yên. Gia đình em nghèo, hoàn cảnh nhưng mẹ em không vì thiếu thốn mà phải đi trộm cắp tiền bạc của ai. Em tin là mẹ em bị oan. Nay em nhờ LS giúp đỡ để minh oan cho mẹ em. Bố mẹ em rất khó khăn, mẹ em là lao động chính và hoàn cảnh “chạy ăn từng bữa”, không thể xuống Hà Nội để gặp LS và trình bày về vụ việc được. Xin LS tìm cách cứu giúp gia đình em.

Với niềm tin nội tâm, LS thấy vụ án có nhiều uẩn khúc cần được làm sáng tỏ. LS đã không ngại đường xá xa xôi, đi từ Hà Nội lên Thái Nguyên, tìm đến nhà cô gái đã gọi điện cầu cứu. Mẹ của cô gái - chị Đinh Thị Khương với vẻ mặt thất thần, chị trình bày về sự việc:

Chị Đinh Thị Khương và Nguyễn Thị An từ trước đến nay buôn bán nhỏ với nhau nên quen nhau từ lâu. Có lần An rủ chị Khương đi uống nước và chị Khương gặp ông Nguyễn Văn Khánh là bạn An. Từ khi biết ông Khánh đến hôm xảy ra vụ việc, chị Khương chỉ gặp ông Khánh 2 lần.

Luật sư Huỳnh Mỹ Long (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Ngày 31/72015, An rủ chị Khương đi đến nơi ông Khánh đang thuê trọ. Khoảng 3 giờ chiều, An đi xe máy đến đón chị Khương ở nhà, Cả 2 đi đến chỗ ông Khánh thuê trọ ờ xã Nam Tiến, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên. Gặp ông Khánh đang bán thịt chó quay, vịt quay trong một lán nhỏ ven đường quốc lộ 3 cũ, An bảo ông Khánh đưa vể chỗ trọ cách đó chừng 100m. Ông Khánh mở khóa của mời các bạn vào nhà rồi lại quay ra bán hàng. Gian nhà trọ nhỏ, cũng không có đồ đạc gì ngoài cái tủ lạnh để bảo quản hàng thì có cái hòm tôn nhỏ, kích thước chừng 20x28x15cm có khóa. An đưa chị Khương chìa khóa và bảo chị Khương lấy gạo trong hòm tôn để nấu cơm, lát nữa ông Khánh mang thức ăn về cùng ăn. Chị Khương mở hòm ra thì không có gạo mà chỉ có cái ví. Chị Khương đưa ví đưa cho An, trong ví chỉ có 4 trăm nghìn. Chị Khương nói đùa với An là “Người yêu An buôn bán gì mà vốn liếng ít thế” rồi bỏ ví vào hòm, khóa lại. Không có gạo để nấu cơm nên ngồi chơi thêm một lát, An rủ chị Khương về. An gọi điện thoại cho ông Khánh về khóa cửa nhà để cả hai đi về, lúc đó khoảng 4 giờ rưỡi chiều.

Tối hôm đó, An gọi điện cho chị Khương nói ông Khánh kêu mất tiền cất trong ví và vàng cất trong hộp nhỏ bằng nhựa. Mất 1 triệu 8 trăm nghìn và 2 nhẫn tròn trơn, mỗi nhẫn 2 chỉ vàng. Số tiền và vàng đó cất trong hòm tôn mà chị Khương đã mở ra. Chị Khương ngạc nhiên: Khi chị Khương mở hòm thì An cũng đứng ở đó mà. Chị chỉ đưa cái ví cho An xem rồi cất trả vào hòm, khóa lại ngay mà. Chứ có lục lọi gì đâu. Vậy mà ngay sau đó ông Khánh lại gọi điện và cứ cho là chị Khương lấy tiền và vàng của ông ấy. Chị Khương giận quá và nói chị Khương không lấy, nếu cần thề ở chùa Cải Đan là nơi linh thiêng chị Khương cũng thề. Ngày hôm sau cả 3 chúng chị Khương đến chùa. Ông Khánh vẫn cho là chị Khương lấy tiền, vàng, An thì nói với ông Khánh là nên đưa sụ việc ra công an.

Chiều ngày 04/8/2016, ông Khánh có đơn đến Công an xã Nam Tiến và chị Khương cũng được mời lên làm việc. Công an xã Nam Tiến chuyển vụ việc đến Công an thị xã Phổ Yên. Thế là chị Khương được đưa về trụ sở công an thị trấn Phổ Yên để tường trình và lấy lời khai. Tối hôm đó, mấy anh công an cứ nói với chị Khương là sự việc không có vấn đề gì đâu, dù có lấy hay không thì cũng chỉ có mình chị mở hòm đó ra. Thôi chị cứ nhận đi rồi xem ông Khánh đòi đền tiền thì đền tiền cho ông ấy. Rồi sau này chỉ xử phạt hành chính là cùng. Chị không nhận là chúng chị Khương sẽ giam giữ chị để điều tra.

Do gia đình chị Khương rất hoàn cảnh, Chồng chị Khương thì thần kinh không được bình thường, chỉ lao động đơn giản được thôi. Một mình chị Khương chạy chợ, bán cá ở chợ Phố Cò lo nuôi chồng. Các con chị Khương cũng lớn nhưng cũng khó khăn, không đỡ đần gì cho chị Khương được mà thỉnh thoảng chị Khương còn phải chu cấp cho các con. Chị Khương nghĩ nếu bị giam thì ai lo cho chồng con, thì thôi chị Khương nhận tội cho xong, vay mượn em ruột chị Khương để đưa cho ông Khánh. Ông Khánh yêu cầu chị Khương đền tiền cho ông, vàng cùng số tiền mặt quy ra tiền là 13.200.000 đồng và em trai chị Khương đã trả cho ông Khánh. Chị Khương coi như là cái hạn mất tiền.

Chị Khương vẫn bị giữ tại trụ sở công an thị trấn từ chiều ngày 4/8 đến chiều ngày hôm sau thì Công an đưa chị Khương về chỗ trọ của ông Khánh. Tại đây, Công an bảo chị Khương phải diễn lại hành vi trộm cắp, chị Khương nói chị Khương không lấy nên không biết làm như thế nào. Các anh Công an nói: Chúng tôi bảo phải làm động tác gì thì chị cũng làm y như thế. Sau này chị Khương mới biết như thế là thực nghiệm điều tra. Sau đó Công an bảo chị Khương khai nhận ở công an thế nào thì sang Viện kiểm sát thì cũng phải khai đúng như thế, không là bị thêm tội khai báo gian dối và bị giam đấy.

Chị Khương cứ nghĩ là vụ việc thế là xong. Nhưng rồi đến giữa tháng 10/2015 chị Khương nhận được giấy triệu tập và biết đầu tháng 11/2015, mình bị đưa ra xét xử ở Tòa án nhân dân thị trấn Phổ Yên với tội danh “Trộm cắp tài sản” mà hình phạt có thể bị phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.

Chị Khương nói giọng nghẹn ngào: Chẳng biết ông Khánh có tiền, vàng thật hay không, mất lúc nào, mà bay giờ cứ đổ cho tôi lấy của ông ta. Cái An là bạn tôi, lại là người tình của ông Khánh, biết tôi đưa ví cho nó xem rồi cất đi, khóa hòm ngay mà sao nó không nói với ông Khánh lại còn cũng nghi tôi lấy cắp. Tôi thiếu hiểu biết luật sư ạ. Cứ nghĩ mình bị công an điều tra sự việc là bị nhốt, bị giam vài tháng thì ai lo cho chồng con bây giờ nên cứ nhận bừa đi rồi đền tiền là xong. Nào ngờ… Rồi đây đi tù về tôi không chịu nổi ánh mắt của hàng xóm, người thân khinh rẻ. Còn mặt mũi nào mà ra chợ buôn bán nữa.

Chị Khương rất cảm động vì LS đã không quản đường xá xa xôi lên tận nơi tìm hiểu sự việc, tư vấn pháp luật cho mình nhưng cũng lo lắng vì biết vụ án này sẽ kéo dài và chi phí cho LS từ Hà Nội sẽ rất tốn kém mà hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Chị cũng cũng tâm sự về gia cảnh: Chồng thì thần kinh không ổn định, sức khỏe kém, chỉ lao động giản đơn được, hai cô con gái cũng không có thu nhập ổn định, bản thân buôn thúng bán mẹt ở chợ, thu nhập không đáng kể, ruộng vườn không có nên không có nguồn thu nhập nào khác. LS nhận định ban đầu là vụ án có dấu hiệu oan sai là như vậy nhưng không biết LS có tham gia bào chữa cho mình hay không?.

LS đã động viên bị cáo cùng gia đình và sẽ cố gắng bào chữa, bảo vệ bị cáo trong các giai đoạn tố tụng cho đến khi vụ án được giải quyết xong. LS không nhận thù lao và các chi phí khác như in ấn hồ sơ, soạn thảo văn bản, in ảnh hiện trường mà LS đã tự điều tra, thu thập.

Nhận trách nhiệm bào chữa cho chị Khương, để xác minh, thu thập chứng cứ, luật sư đã sao chụp hồ sơ tại Tòa án, đến làm việc với Trưởng công an xã Nam Tiến, chụp ảnh nơi xảy ra vụ án. Nghiên cứu hồ sơ, luật sư thấy có nhiều mâu thuẫn thể hiện trong các tài liệu, lời khai của chị Khương, ông Khánh và An.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27/01/2016, Hội đồng xét xử chỉ căn cứ vào lời khai nhận tội của chị Khương tại cơ quan điều tra là căn cứ để kết tội. Mặc dù tại tòa, chị Khương đã trình bày trung thực toàn bộ sự thật của vụ việc. Chị Khương có trình bày do thiếu hiểu biết mà nhận tội nhưng sự thật là chị Khương không trộm cắp. Luật sư đã xuất trình các tài liệu chứng cứ đã thu thập được và có quan điểm bào chữa: Có nhiều sai phạm trong quá trình điều tra như: Cơ quan điều tra căn cứ giấy đảm bảo vàng không ghi tên người mua để đương nhiên công nhận ông Khánh có 4 chỉ vàng. Căn cứ đơn trình báo của ông Khánh là ông mất tiền và vàng vào thời điểm chiều ngày 31/7/2015 mặc dù trong lời khai khác của ông Khánh là: “lần cuối cùng nhìn thấy 2 nhẫn vàng từ ngày 15/7/2015”.  Liệu nơi trọ có phải là nơi ông Khánh ở và mất vàng hay không khi: Sau thời điểm cho rằng bị mất trộm (ngày 31/7) ngay trước ngày có đơn trình báo mất trộm tại công an xã Nam Tiến (ngày 4/8), thì ngày 3/8 ông Khánh đến đăng ký tạm trú tại công an xã Nam Tiến.  Luật sư tranh luận khá gay gắt, căng thẳng với vị đại diện Viện kiểm sát về thủ tục tố tụng: Công an thị xã Phổ Yên tiến hành thực nghiệm điều tra khi chị Khương chưa bị khởi tố, vẫn là công dân có đầy đủ quyền công dân theo Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Sau khi nghị án, Tòa án cấp sơ thẩm vẫn tuyên chị Khương 9 tháng tù, cho hưởng án treo. Trong bản án có tình tiết giảm nhẹ là “thành khẩn khai báo” mặc dù chị Khương đã phản cung, thay đổi lời khai tại phiên tòa, phủ nhận lời khai tại cơ quan điều tra và khẳng định mình không có hành vi trộm cắp.

Chị Khương có đơn kháng cáo kêu oan gửi đến Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Ngày 20/6/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa, chị Khương khai hoàn toàn sự thật và vẫn kêu oan. Trong phiên xét xử, Tòa án cấp phúc thẩm đã xem xét các chứng cứ trong hồ sơ như: Ông Nguyễn Văn Khánh (người bị hại) trình báo mất 4 chỉ vàng mua tại hiệu vàng Phú Quý tại Lục Ngạn, Bắc Giang. Nhưng tờ hóa đơn mua vàng có trong hồ sơ vụ án không ghi tên người mua vàng. Không thể hiện rõ 1 nhẫn tròn trơn 4 chỉ hay 2 nhẫn 2 chỉ vàng. Hóa đơn đó không phải hóa đơn tài chính theo quy định pháp luật. Trong hồ sơ cũng không có tài liệu nào về việc thu thập tài liệu này do ai giao nộp cho cơ quan điều tra. Ông Khánh cũng khai lần cuối cùng nhìn thấy 2 nhẫn vàng từ ngày 15/7/2015, tức là trước khoảng 2 tuần trước khi xảy ra vụ án. Tuy chị Khương có mở hòm ra nhưng không thấy hộp nhựa màu cam nào, nhưng ông Khánh khai để 2 nhẫn vàng trong 2 hộp nhựa. Ông Khánh nói khi thấy mất vàng thì bực tức và vứt 2 hộp nhựa đó đi nhưng cơ quan điều tra cũng không tìm và thu giữ lại 2 hộp đó. Khi cơ quan điều tra khám xét nhà chị Khương thì có thu giữ 1 hộp nhựa nhưng đó là hộp nhựa do con gái chị Khương mang về. Xác minh đó không phải là vật chứng của vụ án nên cơ quan điều tra đã trả lại cho chị Khương.

Trong phiên xét xử này, vị đại diện Viện Kiểm sát cũng nhận định: Xác định chị Khương phạm tội như án sơ thẩm là chưa đảm bảo tính khách quan. Đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân thị trấn Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên để điều tra lại.

Luật sư Huỳnh Mỹ Long cũng trình bày quan điểm bào chữa cho chị Khương về sai phạm về tố tụng trong toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử ở cấp sơ thẩm. Đồng thời cũng đồng ý với quan điểm của vị đại diện Viện kiểm sát.

Khi được nói lời sau cùng, chị Khương vẫn kêu oan.

Bản án số 82/2016/HSPT ngày 20/6/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Viện kiểm sát giải quyết lại theo thủ tục chung.

Được Tòa án minh oan cho, chị Khương mừng nhưng lại lo vì vụ án lại được chuyển về công an để tiếp tục điều tra. Chị Khương lo vì chị Khương thiếu hiểu biết pháp luật mà khi chị Khương trình bày sự thật thì Cơ quan điều tra sẽ không nghe, hoặc không ghi biên bản theo đúng ý chị Khương muốn nói. Luật sư Huỳnh Mỹ Long đã động viên chị Khương và nhận sẽ tiếp tục là người bào chữa cho chị Khương cho đến khi giải quyết xong vụ án. Chị Khương yên tâm, tin tưởng ở Luật sư Long và tiếp tục nhờ luật sư tham gia trong quá trình điều tra.

Như vậy, từ tháng 8/2016 đến tháng 11/2016, trong suốt 4 tháng, mỗi lần cơ quan điều tra triệu tập chị Khương lên lấy lời khai đều có luật sư Long tham gia. Chị Khương rất cảm động khi luật sư không quản ngại đường xa, mưa nắng đều đi xe máy từ Hà Nội lên Thái Nguyên để giúp đỡ chị Khương miễn phí, không nhận thù lao vì hiểu hoàn cảnh của gia đình chị Khương.

Niềm vui vỡ òa khi đến ngày 14/11/2016, chị Khương được Cơ quan điều tra triệu tập lần cuối cùng khi hết thời hạn điều tra. Bên Luật sư Long, chị Khương được giao nhận Bản kết luận điều tra lại, Quyết định Đình chỉ điều tra bị can và Quyết định Hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Như vậy chị Khương đã được minh oan, chị Khương lại được là người công dân hoàn toàn tự do.

Chị Khương vô cùng cảm ơn Luật sư Huỳnh Mỹ Long – Giám đốc Công ty luật Tâm Chí đã luôn bên chị Khương lúc khó khăn và sự tận tâm của Luật sư đã mang lại công lý cho chị Khương. Đồng thời chị Khương cũng cảm ơn chuyên viên Hoàng Việt Hùng – Giám đốc Công ty NetLaw cùng song hành với Luật sư Long trong vụ án này với vai trò cố vấn luật.

Đến nay, dù đã được minh oan nhưng chị Khương vẫn muốn việc mình bị oan sai phải được công khai, tránh các dư luận tiêu cực cho rằng mình cùng LS chạy án, không bị tù tội mặc dù phạm tội trộm cắp.

Theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm bồi thường và xin lỗi công khai. LS vẫn sẵn sàng cùng chị Khương đi đòi công lý, lẽ phải và sự công bằng mặc dù biết con đường sẽ còn nhiều chông gai.

Luật sư Huỳnh Mỹ Long

Tin nổi bật