Đóng

Người dân sống trong Vành đai 1 nói gì về việc sẽ cấm xe máy xăng?

  • Thành Lâm
(DS&PL) -

Việc Hà Nội nghiên cứu cấm xe máy xăng đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận, đặc biệt là những người dân đang sinh sống, làm việc trong khu vực vành đai 1.

Cấm xe máy xăng trong Vành đai 1 là hướng đi đúng

Vừa qua Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành chỉ thị về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó yêu cầu Hà Nội nghiên cứu cấm xe máy xăng vào đường vành đai 1 từ 1/7/2026.

Chỉ thị nêu rõ, Hà Nội cần thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến 1/7/2026, không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong vành đai 1; từ 1/1/2028, không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường vành đai 1, vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong vành đai 3.

Chủ trương này đã nhận được nhiều ý kiến quan tâm từ người dân và chuyên gia.

Anh Hoàng Văn Thuần (45 tuổi, sống tại phố Nguyễn Khoái, thuộc vành đai 1 Hà Nội) bày tỏ sự ủng hộ: "Tôi nghĩ chủ trương cấm xe máy xăng là hướng đi đúng, nhất là với Hà Nội – vốn đang chịu ô nhiễm không khí rất nặng. Là người dân sống trong khu trung tâm, tôi cũng cảm nhận rõ bụi mịn và tiếng ồn mỗi ngày."

Anh Hoàng Văn Thuần người dân sinh sống ở khu vực ngã ba Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân.

Anh Thuần kiến nghị thêm: "Hy vọng sắp tới nhà nước có chính sách hỗ trợ như đổi xe cũ lấy xe điện, miễn giảm thuế, hay hỗ trợ lắp trạm sạc trong khu dân cư. Nếu chính sách đi kèm hỗ trợ thiết thực, có lộ trình rõ ràng và linh hoạt – ví dụ ưu đãi khi mua xe điện, phát triển giao thông công cộng tốt hơn – thì chắc chắn mọi việc sẽ hanh thông ngay.”

Hà Nội nghiên cứu cấm xe máy xăng vào đường vành đai 1 từ 1/7/2026.

Chị Chu Thị Nương (21 tuổi, sinh viên năm 3, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng chia sẻ những suy nghĩ: "Em đang dùng xe máy xăng để đi học và làm thêm. Mỗi ngày em đi lại tầm 10-15km, nên xe máy là tiện nhất. Em cũng từng nghĩ đến xe điện nhưng vẫn hơi phân vân vì sợ nhanh hết pin, nhất là khi đi học cả ngày, rồi lại chạy thêm đi làm buổi tối."

Chị cũng đề xuất: "Em mong nhà nước và thành phố sẽ hỗ trợ người dân, đặc biệt là sinh viên và người đi làm bằng cách trợ giá xe điện, mở thêm trạm sạc, và cải thiện hệ thống giao thông công cộng".

Cải thiện môi trường đô thị, giảm phát thải và hướng tới giao thông bền vững

Trao đổi với phóng viên Đời sống & Pháp luật, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho biết: “Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/7 vừa qua, trong đó có nội dung dừng hoạt động xe máy sử dụng nhiên liệu xăng trong khu vực vành đai 1 từ ngày 1/7/2026, là một bước đi mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đô thị, giảm phát thải và hướng tới giao thông bền vững”.

TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia.

Theo TS. Khương Kim Tạo, chủ trương này phù hợp với xu thế chuyển đổi năng lượng sạch đang diễn ra trên toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính và tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng để việc triển khai đạt hiệu quả, cần có lộ trình cụ thể, giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

“Chúng ta cần tính đến các yếu tố như: năng lực hạ tầng giao thông công cộng thay thế, khả năng tiếp cận xe máy điện của người dân, chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp, cũng như cơ chế kiểm soát việc thực thi nghiêm túc chỉ thị này,” TS. Tạo nhấn mạnh.

 

Tin nổi bật