Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chỉ thị về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó yêu cầu Hà Nội nghiên cứu cấm xe máy vào đường vành đai 1 từ 1/7/2026.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Hà Nội cần thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026, không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1;
Từ ngày 1/1/2028, không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Ảnh minh hoạ
Quy định này ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Người dân ủng hộ quy định trên và cho rằng đây là việc làm cấp thiết để bảo vệ môi trường sống của người dân Thủ đô. Song thời gian áp dụng, những chính sách hỗ trợ, quá trình thực thi,... là những vấn đề được người dân đặc biệt lưu tâm.
Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật, Nhà giáo ưu tú, GS.TS Từ Sỹ Sùa, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, việc cấm xe máy xăng trong khu vực trung tâm Thủ đô là phù hợp với xu thế khi nhiều đô thị trên thế giới cũng đã áp dụng hoặc có kế hoạch tương tự.
GS.TS Sùa cho rằng, để chủ trương này đi vào thực tiễn, cần một lộ trình được thiết kế bài bản cùng hàng loạt giải pháp về pháp lý, hạ tầng rất cụ thể. Trong đó, đầu tiên cần chú trọng công tác truyền thông, giáo dục cho người dân lộ trình sử dụng phương tiện giao thông tại đô thị.
Hiện tại nhiều người dân dùng xe máy xăng để di chuyển đến các bệnh viện, trường học, cơ quan ở khu vực trung tâm, trong khi điều kiện hạ tầng công cộng chưa đáp ứng đủ việc này cần tính các giải pháp tiếp theo. GS.TS Từ Sỹ Sùa đặt vấn đề, sau này cấm xe xăng thì việc xử lý vi phạm sẽ như thế nào? Ai là người kiểm soát trong một phạm vi rộng như vậy để đảm bảo hiệu quả thực thi?...là những vấn đề được quan tâm.
Nhà giáo ưu tú, GS.TS Từ Sỹ Sùa, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông vận tải
"Một chính sách tốt, cần có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, phù hợp, phương pháp thực hiện phải đồng bộ, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm. Người dân thấy họ được lợi, đi lại thuận tiện, tôi tin họ sẽ tự nguyện làm theo” GS.TS Từ Sỹ Sùa phân tích.
Theo GS.TS Từ Sỹ Sùa, để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường của Thủ đô, vấn đề không chỉ cấm xe máy chạy xăng mà đi cùng với đó là nhiều giải pháp hỗ trợ bủa vây như: Tăng cường hệ thống vận tải hành khách công cộng, tàu điện, xe buýt sử dụng năng lượng sách, cùng với đó là các bãi gửi xe thuận lợi, giá rẻ.
Đồng thời có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ lấy xe điện mới, đặc biệt là lồng ghép, phối hợp hỗ trợ với nhà sản xuất, người tiêu dùng trong việc chuyển đổi phương tiện và phủ rộng hệ thống trạm sạc...
Đồng tình việc cấm xe chạy xăng, dầu là việc làm cấp thiết, bắt buộc để giải quyết bài toán môi trường của Hà Nội nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung, GS.TS Từ Sỹ Sùa nêu quan điểm.