Xếp hàng mua vàng nhẫn khó hơn thời bao cấp
Theo tạp chí Thương Gia, mới đây Ngân hàng BIDV vừa công bố thông tin, nhằm đáp ứng nhu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, ngân hàng này sẽ triển khai thêm các điểm bán vàng miếng SJC tại thành phố Hà Nội và TP.HCM. Các điểm bán vàng này sẽ hoạt động từ ngày 14/10/2024.
Theo đó, tại thành phố Hà Nội, BIDV mở thêm 4 điểm bán vàng bao gồm: Chi nhánh Sở Giao dịch 1, địa chỉ Tháp A Vincom, 191 Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng; Chi nhánh Hà Thành, địa chỉ 74 Thợ Nhuộm, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm; Chi nhánh Ngọc Khánh Hà Nội, địa chỉ Tòa nhà Thái Nam Building, lô E2 đường Dương Đình Nghệ, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy; Chi nhánh Quang Trung, địa chỉ Toà nhà Prime Center, Số 53, Phố Quang Trung, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng;
Các điểm bán vàng tại TP.HCM bao gồm: chi nhánh TP. HCM, địa chỉ 134 Nguyễn Công Trứ, quận 1; Chi nhánh Phú Nhuận, địa chỉ Tòa nhà SkyGate, 36-38 Nguyễn Văn Trỗi, Phường 15, Quận Phú Nhuận.
Hiện nay, đối với hình thức đăng ký mua vàng miếng online, khách hàng cần đăng ký qua website hoặc ứng dụng (app) của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn và 4 ngân hàng thương mại quốc doanh gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank.
Điều kiện để mua vàng miếng online tại các ngân hàng thương mại là khách hàng phải có tài khoản tại ngân hàng đó và số tiền tối thiểu trong tài khoản tại thời điểm đăng ký phải đủ mua 1 lượng vàng miếng SJC. Đặc biệt, mỗi người chỉ được đăng ký mua 1 lượng vàng miếng SJC. Sau khi đáp ứng đủ điều kiện và đăng ký thành công, khách hàng sẽ nhận được một mã xác nhận, thời gian và địa điểm giao dịch.
Cửa hàng thông báo hết vàng trên toàn hệ thống khiến nhiều người ngậm ngùi quay về. Ảnh: Tiền Phong
Trước đó, không ít người dân phản ánh về tình trạng khó mua vàng tại các ngân hàng cũng như tại một số cửa hàng. Ngoài ra, số lượng điểm bán vàng miếng của Công ty SJC và 4 ngân hàng quốc doanh trên toàn quốc không nhiều, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP.HCM. Điều này đã khiến việc tiếp cận mua bán vàng miếng SJC của người dân, đặc biệt là khách hàng ở các tỉnh thành khác, trở nên khó khăn.
Trong khi đó, những người mua vàng nhẫn lại phải đối mặt với cảnh xếp hàng dài tại nhiều cửa hàng. Các cửa hàng thường chỉ cung cấp một lượng rất hạn chế vào những khung giờ không cố định. Nhiều người phải "săn" vàng trong 2-3 ngày mới có thể mua được một chỉ vàng.
Vì sao giá vàng liên tục biến động?
Ông Đỗ Tiến Vượng, Phó Chủ tịch Viện Đào tạo và Chuyển giao Công nghệ V-Connect kiêm Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Tài chính Doanh nghiệp Việt Nam (CFC Vietnam), cho biết rằng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, giá vàng trong 9 tháng đầu năm 2024 đã tăng 126,27% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Đỗ Tiến Vượng - Phó chủ tịch Viện Đào tạo và Chuyển giao công nghệ V-Connect, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn Tài chính doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tạp chí Gia Đình Việt Nam
Theo ông Vượng, vàng không còn giữ vai trò chính là phương tiện thanh toán mà chủ yếu được dùng để tích trữ và đầu tư. Do đó, sự biến động về giá vàng phụ thuộc vào nhu cầu tích trữ và đầu tư.
"Giá vàng trong nước đã tăng mạnh hơn so với giá vàng thế giới thời gian qua, chủ yếu do nhu cầu tích trữ gia tăng. Khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản còn nhiều rủi ro và nền kinh tế đang ở giai đoạn phục hồi chậm, người dân có xu hướng tích trữ vàng nhiều hơn", ông Vượng giải thích.
Ngoài ra, khi những lo ngại về rủi ro kinh tế và chính trị gia tăng, nhà đầu tư trong nước thường tìm đến vàng như một nơi trú ẩn an toàn, làm tăng giá vàng trong nước.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát nguồn cung vàng bằng cách hạn chế nhập khẩu nhằm bảo vệ dự trữ ngoại hối, dẫn đến sự mất cân đối giữa cung và cầu, làm giá vàng trong nước cao hơn so với quốc tế. Điều này phản ánh chiến lược duy trì ổn định tiền tệ và bảo vệ thị trường tài chính, nhưng cũng khiến vàng trong nước trở nên đắt đỏ hơn.
"Theo tôi, việc giá vàng tại Việt Nam cao hơn thế giới là hệ quả tự nhiên của các chính sách kinh tế trong nước và những biến động quốc tế", ông Đỗ Tiến Vượng, Giám đốc CFC Vietnam, nhận định.
Vàng – Nơi gửi gắm niềm tin
Ông Đỗ Tiến Vượng cho biết, việc người dân xếp hàng chờ mua vàng, dù giá đang ở mức cao kỷ lục, là điều dễ hiểu. Đặc biệt, với lịch sử và truyền thống tích trữ vàng của người Việt, khi các kênh đầu tư khác như gửi tiền vào ngân hàng đối mặt với rủi ro từ những vụ lừa đảo công nghệ, việc giữ tài sản dưới dạng vàng được xem là phương án an toàn hơn.
"Tôi không nghĩ rằng việc người dân mua nhiều vàng khi giá tăng là do họ dư dả tài chính, mà điều này thể hiện tâm lý cẩn trọng, ưu tiên sự an toàn và ổn định trong đầu tư", ông Vượng chia sẻ. Ông cũng cho rằng đây là dấu hiệu của tâm lý muốn tích trữ tài sản dưới dạng vật chất, đặc biệt là vàng, nhằm bảo vệ giá trị trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động và rủi ro lạm phát.
Hơn nữa, việc người dân chỉ tập trung vào vàng mà không xem xét các kênh đầu tư khác cũng phần nào cho thấy sự thiếu ổn định về kiến thức đầu tư tài chính. Nhiều người chưa có đủ tự tin và hiểu biết để đầu tư vào các lĩnh vực khác như chứng khoán, bất động sản, hay ngoại tệ.
Ngoài ra, khi giá vàng tăng mạnh, hiệu ứng tâm lý đám đông càng khiến nhiều người mua vàng với hy vọng giá sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. "Khi giá vàng lên cao, dù đã ở mức đỉnh, người dân lại lo ngại rằng nếu không mua ngay thì giá sẽ còn tăng cao hơn nữa, dẫn đến tâm lý mua vàng để tích trữ", ông Vượng cho biết.
Cùng với đó, các dự báo về việc giá vàng thế giới có thể chạm mức 3.000 USD/ounce càng thúc đẩy niềm tin rằng giá vàng trong nước sẽ tiếp tục tăng theo, khiến nhiều người đổ xô mua vàng, tạp chí Gia Đình Việt Nam thông tin.