Vừa qua, hàng trăm khách hàng đã phản ánh đến các cơ quan báo chí về việc hóa đơn tiền điện bất ngờ tăng gấp 3-4 lần. Đặc biệt, sự việc liên quan đến 200/300 công tơ ở huyện Sóc Sơn (TP.Hà Nội) ghi thiếu tiền điện của người dân do hai công nhân ngành điện sợ đi vào khu vực có nhiều đối tượng nghiện hút nên đã tự ý ghi áng chừng số công tơ, khiến dư luận hết sức bức xúc.
Giá điện tiếp tục là chủ đề "nóng" tại cuộc họp báo thường kỳ của bộ Công Thương, báo giới liên tục chất vấn tình trạng hóa đơn "tăng- giảm" đột biến trong tháng Sáu. ông Nguyễn Quang Trung - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) khẳng định, tất cả trường hợp báo nêu có địa chỉ cụ thể, tổng công ty đã cử đơn vị quản lý xuống làm việc cụ thể với khách hàng. Qua làm việc giải thích và trao đổi, khách hàng đã đồng ý với cách kiểm tra của công ty, một số khách hàng không đồng ý thì phía Điện lực đã đưa công tơ đi kiểm định. "Về việc hóa đơn tiền điện ở nội thành Hà Nội "đội" lên gấp hai gấp ba so với bình thường, trong quá trình ghi chỉ số hóa đơn có thể có sai sót, nếu phát hiện sai phạm, EVN Hà Nội sẵn sàng hủy hóa đơn điện và in lại", ông Trung nói.
EVN Hà Nội cũng cho rằng, nguyên nhân cơ bản dẫn đến sản lượng điện tăng là những ngày tháng Năm đến đầu tháng Sáu, Hà Nội đã có những đợt nắng nóng kéo dài, có lúc nhiệt độ tăng trên 43oC. Do đó, nhu cầu sử dụng điện để làm mát của khách hàng tăng vọt cả ban ngày lẫn ban đêm, trong đó điều hòa khách hàng sử dụng lên tới trên 10 giờ mỗi ngày. Đó là thực tế khách quan!
Công nhân điện lực Hoàn Kiếm áp dụng ghi chỉ số công tơ bằng hệ thống đo xa. ảnh: Ngọc Hà. |
Trước những bức xúc và nghi ngại của người dân về việc hoá đơn điện bị "làm phép", nhiều khách hàng chưa hài lòng với những giải thích của EVN Hà Nội và cho rằng, ngành điện cần một cơ quan độc lập rà soát, kiểm tra lại việc tính hóa đơn và chốt công tơ, đảm bảo tính khách quan. Nhiều ý kiến cho rằng, không loại trừ khả năng nhân viên ngành điện ghi bớt số đi trong những tháng trước, sau đó cộng dồn vào tháng cao điểm để nhân hệ số gia tăng lấy chênh lệch. Thực tế, vào năm ngoái, nhiều khách hàng tại Hà Nội cũng phản ánh việc hóa đơn tiền điện tăng đột biến vào giữa năm và cuối năm.
Không dừng lại ở việc giá điện, vấn đề người dân rất quan tâm đó là biến áp điện thế lên xuống thất thường và được cho là nguyên nhân ảnh hưởng đến độ bền của các máy móc, thiết bị chạy bằng điện. Thậm chí, nhiều trường hợp gây ra tai nạn chập, cháy nổ; yêu cầu ngành điện lý giải về vai trò, trách nhiệm của mình. Theo luật thì ngành điện sẽ phải đền bù khi máy móc và thiết bị của người dân hỏng hóc do cung cấp điện không đạt yêu cầu. Thế nhưng, người dân vẫn chỉ biết "bắc thang lên hỏi ông giời".
Trước bức xúc của người dân, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng cục Điều tiết Điện lực đề nghị toàn dân tham gia vào việc giám sát ngành điện thông qua việc chốt chỉ số công tơ, ghi chỉ số công tơ hằng tháng. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý đang đẩy khó cho người dân.
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, chẳng có cơ quan nào giám sát được việc thu tiền điện, chỉ có người dân và ngành điện cùng làm việc này. Có một sự bất hợp lý, công tơ được treo trên cột điện, mỗi lần thu tiền điện, "nhà điện" chốt số công tơ và người dân chỉ biết thanh toán. "Nhà điện" nói sao, người dân biết vậy chứ họ không được trực tiếp đọc chỉ số công tơ. Chỉ số công tơ phản ánh theo từng tháng và có mức chênh lệch từng tháng khác nhau, dân phải biết.
Hiện nay, chúng ta chưa làm được điều này. Người dân giám sát như thế nào khi không quy định bắt buộc ghi số điện ở công tơ phải có sự phối hợp giữa người ghi (cán bộ ngành điện) và người dân (thông qua cơ chế đăng ký ngày ghi, giờ ghi)?. "Cần có sự minh bạch giữa ngành điện, nhân viên ghi số công tơ, người đi thu tiền điện và người dân trong việc đo chỉ số công tơ và đọc chỉ số công tơ", ông Ngãi nhấn mạnh.
ĐBQH Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng, cách công khai, minh bạch giá điện như hiện nay mới chỉ là bước đầu chứ chưa giải quyết được vấn đề "bệnh tình" nghiêm trọng của ngành điện. Nhà nước cần công khai chi phí tính vào giá điện gồm có những chi phí nào? Vì sao người dân phải mua giá điện với mức giá như hiện nay? Việc giá điện chưa thể minh bạch thì các khâu quản lý trong ngành điện cũng có sự mập mờ là điều dễ hiểu.
Ngay trong tháng Sáu vừa qua, đã có những ví dụ cho thấy, việc phát hiện ra những sai trái trong thu tiền điện lại không bắt đầu từ một cơ quan nào của bộ Công Thương hay của EVN mà là do người dân - khách hàng của ngành điện bức xúc phản ánh.
Ví dụ cụ thể nhất là việc tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), có tới 200/300 công tơ của dân bị một số công nhân ghi sai số mà không hề kiểm tra công tơ, chỉ ghi theo... ước lượng của tháng trước đó. Cũng trong tháng Sáu, Điện lực Nghệ An phải trả lại dân tiền điện tính sai do các cán bộ, nhân viên của họ đã không chốt số điện tại công tơ mà chỉ ước lượng số điện theo từng công tơ của các hộ gia đình. Sự việc cho thấy, ngành điện đang thiếu một cơ chế quản lý, giám sát (thiếu một chuẩn minh bạch -PV).
Việc bộ Công Thương kêu gọi người dân giám sát công tơ điện thì đúng là... "bắc thang lên hỏi ông trời" vì họ làm sao biết nhân viên ngành điện ghi số điện lúc nào? Công tơ điện được treo ở vị trí trên cao thì không phải ai cũng bắc thang để giám sát được và công tơ điện là tài sản Nhà nước, ai dám tự tiện trèo lên để ghi số điện? Bộ Công Thương không nói đến đổi mới quy trình, cách thức quản lý của mình, mà chỉ nói đến trách nhiệm của "thượng đế" thì dù người dân có giám sát vẫn xảy ra tình trạng con số "nhảy múa" trên hoá đơn tiền điện của người dân.
Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN Hà Nội kiểm tra tổng các số điện người dân khiếu nại Thứ trưởng bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: "Từ 1/6 là thời điểm có thay đổi biểu giá chứ không phải tăng giá điện. Bộ đã yêu cầu kiểm tra tổng các số khiếu nại, qua kiểm tra, có tới 72\% dùng trên 400 số điện, 28\% dùng 100 - 400 số, không có hộ dùng dưới 100 số. Tuy nhiên, EVN Hà Nội cần có đợt điều tra nghiêm túc để báo cáo lại về việc này". |