Nữ diễn viên nổi tiếng Từ Hy Viên qua đời ở Nhật Bản vì viêm phổi sau khi bị nhiễm cúm đã gây xôn xao dư luận. Tin tức này đã làm xuất hiện làn sóng đi tiêm vắc xin phòng cúm ở Đài Loan (Trung Quốc).
Khi vắc xin cúm dịch vụ được triển khai đồng bộ tại thành phố Cao Hùng, đã có hàng dài người đứng xếp hàng tại một phòng khám cung cấp vắc xin. Riêng trong 7 tiếng đồng hồ ngày 5/2, đã có 230 người tiêm vắc xin phòng cúm và đội ngũ nhân viên y tế hiện làm việc hết công suất.
Một bác sĩ nhi khoa họ Lưu cho biết, 80% số người đi tiêm vắc xin cúm đều chuẩn bị ra nước ngoài, chủ yếu là Nhật Bản. Một cảnh tượng đặc biệt đã diễn ra tại địa điểm tiêm vắc xin, đó là nhiều cha mẹ đã kèm cặp con em đi tiêm vì nhiều người trẻ tuổi không có ý định tiêm vắc xin cúm.
Hàng dài người đứng xếp hàng tại một phòng khám cung cấp vắc xin. Ảnh: ETtoday.
Bác sĩ Lưu cho biết, ông đã bố trí thêm một phòng khám chuyên biệt để tiêm vắc xin phòng cúm dịch vụ vào chiều ngày 6/2. Ban đầu, phòng khám dự kiến mở cửa lúc 15h nhưng một số người sợ rằng số lượng vắc xin sẽ không đủ, do đó họ đã đứng xếp hàng từ 12h. Việc tiêm vắc xin được diễn ra theo số thứ tự người đăng ký, đến hơn 22h, đã có 230 người tiêm vắc xin phòng cúm. Các bác sĩ ở đây bận rộn đến mức không có thời gian để ăn hoặc đi vệ sinh. Ngoài ra, còn có những người không thể tiêm vắc xin do tình trạng sức khỏe hiện tại và phải chuyển sang hình thức đặt chỗ trước.
Bác sĩ Lưu cho biết, 95% số người tiêm vắc xin phòng cúm do hiệu ứng từ thông tin Từ Hy Viên qua đời ở Nhật Bản.
Một số người còn nói họ không biết cúm có thể gây tử vong, họ ban đầu nghĩ rằng đó chỉ là cảm lạnh thông thường. Khi có thông tin Từ Hy Viên đột ngột qua đời vì viêm phổi sau khi nhiễm cúm, họ mới nhận ra mức độ nghiêm trọng của cúm mùa.
Theo Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Đài Loan (Trung Quốc), trong tuần từ 19/1 đến 25/1, hòn đảo ghi nhận hơn 162.000 ca nhiễm cúm, cao nhất 10 mùa.
Hòn đảo tiếp tục ghi nhận thêm 91.000 ca trong tuần nghỉ Tết. Tuần từ ngày 21/1 đến 3/2, Đài Loan (Trung Quốc) có 142 ca nặng, 25 ca tử vong do cúm mùa, nâng tổng số ca tử vong tính từ tháng 10 năm ngoái đến nay lên 132.
95% số người tiêm vắc xin phòng cúm do hiệu ứng từ thông tin Từ Hy Viên qua đời ở Nhật Bản. Ảnh: ETtoday.
CDC Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, bệnh đã chuyển sang giai đoạn dịch. Cơ quan này dự đoán số ca nhiễm sẽ tăng thêm từ 1 đến 2 tuần nữa trước khi giảm dần.
Theo cơ quan này, trên toàn thế giới, cúm đang ở giai đoạn dịch bệnh trên khắp bán cầu Bắc và các ca bệnh đang gia tăng ở Hong Kong, châu Âu và Bắc Mỹ. Ở Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản, số ca nhiễm đang ở mức ổn định hoặc giảm dần.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), hơn 90% trường hợp dương tính hoặc tử vong liên quan đến cúm chưa hề tiêm phòng cúm.
Số ca mắc cúm tăng mạnh kéo theo nhu cầu tiêm phòng ở Đài Loan (Trung Quốc) hiện nay tăng đột biến, đặc biệt sau sự ra đi đột ngột của nữ diễn viên nổi tiếng Từ Hy Viên.
Tại Đài Bắc, lượng vaccine sẵn có do chính quyền tài trợ đã giảm từ 12.000 liều xuống còn 6.200 liều tính đến sáng 4/2.
Người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, việc tiêm vaccine sẽ được ưu tiên cho người cao tuổi, người có bệnh nền như tim, phổi, tiểu đường, ung thư.
Theo bác sĩ Vương Tiểu Huy, Phó giám đốc Khoa Hô hấp và Chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện trực thuộc Đại học Y Trùng Khánh, việc tiêm vắc xin phòng cúm là cần thiết nhưng chưa đủ. Điều quan trọng là người dân cần biết cách phòng tránh bằng nhiều biện pháp khác nhau, đặc biệt là không được bỏ lỡ "48 giờ vàng điều trị".
Theo bác sĩ Vương, Từ Hy Viên mới 48 tuổi, không nằm trong nhóm người cao tuổi có nguy cơ mắc cúm. Tuy nhiên, sau khi bị nhiễm cúm, tình trạng bệnh của cô trở nên trầm trọng vì nữ diễn viên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để điều trị, không nhập viện sớm.
Bác sĩ Vương cho biết, 48 giờ sau khi phát bệnh cúm được gọi là "48 giờ vàng" để tự cứu chữa. Nếu bệnh nhân dùng thuốc trong vòng 48 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng, họ có thể loại bỏ virus sớm, giảm nguy cơ bị biến chứng nặng và nguy cơ tử vong. Hướng dẫn sử dụng thuốc kháng virus cũng nêu rõ: "Sử dụng trong vòng 48 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng cúm triệu chứng".
Bác sĩ Vương Tiểu Huy cho biết thêm, ngay cả khi vượt quá 48 giờ, điều trị bằng thuốc kháng virus vẫn có tác dụng, rút ngắn thời gian nằm viện và giảm nguy cơ lây nhiễm cho những người tiếp xúc nhưng thuốc này phải dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, bác sĩ Vương cũng khuyến cáo virus cúm vẫn tiếp tục biến đổi, các chủng virus lưu hành hằng năm thường khác nhau, kháng thể giữa các chủng khác nhau không có tác dụng bảo vệ chéo, hoặc tác dụng bảo vệ chéo rất yếu. Do đó, ông khuyến cáo "tiêm vắc xin cúm hàng năm" và người dân không nên chủ quan.