Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Ngư ông số một” và những lần chạm trán với tàu lạ

(DS&PL) -

Về làng biển Phú Lạc (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) nghe người dân ở đây nói nhiều về ngư dân Ba Thoại. Họ nói ông ấy là “ngư ông số một”.

(ĐSPL) - Về làng biển Phú Lạc (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) nghe người dân ở đây nói nhiều về ngư dân Ba Thoại. Họ nói ông ấy là “ngư ông số một” ở huyện vùng biển Đông Hoà. Với bề dày kinh nghiệm nhiều năm bám biển, không chỉ làm ăn giỏi mà Ba Thoại còn là ân nhân của nhiều người khi gặp nạn trên biển. Trong vòng 10 năm qua, ông đã cứu gần trăm người và hàng chục chiếc tàu bị nạn.

“Nay tàu lạ hung hăng quá!”

Một ngày đầu tháng Chín, chúng tôi gặp ông Ba Thoại tại cảng Vũng Rô (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên). Lúc chúng tôi đến, ông đang kiểm tra chiếc tàu 400CV của người con trai chuẩn bị hạ thủy vào giữa tháng Chín. Ba Thoại là tên người dân làng biển Phú Lạc thường gọi, còn tên của ông là Nguyễn Văn Thoại (57 tuổi). Dáng người cao to, nét mặt đôn hậu, ông Ba Thoại nhớ lại lần đầu tiên ông cứu người trên biển.

Được biết, từ bé ông Ba Thoại đã mồ côi cha (cha ông là cán bộ cách mạng, hy sinh năm 1967). Ông Ba Thoại bắt đầu đi bạn (thuyền viên-PV) cho một tàu cá ở địa phương để kiếm sống, phụ giúp mẹ nuôi các em từ năm hơn 10 tuổi. Sau 1975, Ba Thoại là một Đảng viên, một trung đội trưởng dân quân biển được người dân tín nhiệm. Chính quyền địa phương và người dân muốn ông lên làm cán bộ địa phương nhưng ông Ba Thoại xin rút để bám biển.

Ba Thoại chuẩn bị lưới cho chuyến biển.

Gần 40 năm vươn khơi, nhiều lần Ba Thoại tưởng mình đã chôn vùi thân xác dưới biển sâu. Không chỉ “đấu tranh” với thiên tai để giành lại sự sống, nhiều lần ông phải gồng mình lái con tàu vượt sự truy đuổi của “tàu lạ”. “Một ngày giữa tháng 4/2010, mới sáng sớm anh em trên tàu chuẩn bị một ngày đánh bắt thì “tàu lạ” bất ngờ truy đuổi. Tôi lái tàu thật nhanh nhưng “tàu lạ” vẫn đuổi kịp. “Tàu lạ” đâm thủng mạn tàu, sau đó người trên “tàu lạ” tràn qua tàu của tôi thu toàn bộ hải sản mà chúng tôi đánh bắt được trong nửa tháng. Thậm chí chúng còn thu cả ngư cụ và toàn bộ máy móc trên tàu. May là trước đó, tôi kịp phát tín hiệu cầu cứu nên các tàu gần đó đến lai dắt vào bờ, chứ không là giờ không còn ngồi đây”, ông Ba Thoại vẫn còn bàng hoàng khi kể lại.

Đó không phải là lần duy nhất ông Ba Thoại đối đầu với “tàu lạ”. Gần 40 năm gắn với nghiệp biển, tàu cá của ông Thoại cũng nhiều lần bị “tàu lạ” truy đuổi. Bao lần tàu ông bị hư hỏng nặng khi về bờ, nhưng với bản chất can trường, ông vẫn trở lại bám biển.

Ông Thoại bộc bạch: “Nay “tàu lạ” hung hăng quá! Lúc trước “tàu lạ” cũng tấn công tàu cá của ngư dân mình nhưng không nhiều như bây giờ. Trước thì “tàu lạ” chủ yếu thu ngư cụ, dọa nạt còn giờ thì họ đâm thủng thuyền, rồi phun nước lên tàu, cố đuổi ngư dân mình. Tuy nhiên, ngư dân chúng tôi dễ gì mà đầu hàng, bị thu ngư cụ thì mua lại cái khác, tàu hư thì vào bờ sửa lại rồi tiếp tục vươn khơi. Với ngư dân chúng tôi, đi biển không chỉ là mưu sinh mà còn là bám biển để bảo vệ chủ quyền của đất nước”.

Ở làng biển Phú Lạc, khi nhắc đến tên Ba Thoại, ai cũng tỏ ra nể trọng, quý mến, xem ông như chỗ dựa của làng. Mỗi khi có chuyện trục trặc trong đi biển, bà con thường đến nhờ ông. Năm 2005, thôn Phú Lạc thành lập tổ “Tàu thuyền an toàn”, Ba Thoại được anh em ngư dân bầu làm “người cầm trịch” cho đến nay. “Nhờ có cái tâm, cái tình, ông Ba Thoại đã thuyết phục được anh em trong tổ, tập hợp thành từng nhóm để làm ăn, cùng nhau bảo vệ biển và hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn. Anh em giao ước với nhau, khi ra khơi gặp luồng cá thì phải mở đàm gọi cả tổ cùng đến đánh bắt và sẵn sàng ứng cứu những trường hợp không may gặp nạn trên biển. Khi ai đó có dấu hiệu làm ăn bị sa sút thì cả tổ hỗ trợ, giúp đỡ để khôi phục lại nghề”, lão ngư Nguyễn Lâm (ngụ thôn Phú Lạc) tâm đắc.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Ba Thoại thường nhắc đến những người con của ông. Có lẽ, Ba Thoại tự hào rất nhiều khi 5 người con trai đều nối nghiệp ông đi biển. Người con trai cả Nguyễn Đình Phong (34 tuổi), sau nhiều năm theo cha, nay đã mạnh dạn vay vốn đóng con tàu cá 400CV để vươn khơi. “Vợ chồng tôi có 7 người con, 1 gái, 6 trai. Đứa con trai út đang đi học, 5 đứa còn lại đều đi theo nghiệp biển. Tôi luôn căn dặn các con tôi, không chỉ can trường bám biển mà còn phải cứu giúp tàu bạn khi gặp nạn. Mạng người hơn cả tiền bạc...”, ông Ba Thoại chia sẻ.

Bất chấp nguy hiểm

Đó là một ngày đầu tháng 8/2003, con tàu nhỏ của gia đình ông trở về sau chuyến ra khơi đầu tiên (trước đó ông đi làm thuê-PV). Lúc đó khoảng 8h tối, trời mưa rất to. Khi tàu của ông Ba Thoại đang chạy vào bờ thì nhìn thấy cách đó không xa, đèn đỏ của một chiếc tàu nhấp nháy liên tục. Biết có điều chẳng lành, ông cho tàu chạy lại. “Tới nơi thì phát hiện chiếc tàu của hai cha con ngư dân ở TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) bị hư máy. Người con đang lên cơn sốt cao. Lập tức, tôi cùng mấy anh em trên tàu lai dắt tàu bạn vào bờ và đưa người con đến trạm xá. Tôi không nhớ rõ tên người cha nhưng người con tên Huỳnh Ngọc Hải”, ông Thoại kể.

Tiếp đó là đến năm 2008, vào một buổi chiều sóng lớn, ông Ba Thoại đang trên tàu trở về đất liền thì nghe tiếng kêu cứu. Ông lập tức cùng các thuyền viên quay đầu lại hướng về phía tiếng kêu cứu để tìm kiếm người gặp nạn. Đến Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), ông thấy 3 bóng người đang ở gần chiếc tàu đã sắp chìm. Họ cố gắng kêu lớn, khua tay để cầu cứu ông Ba Thoại. Có một người đàn ông hơn 40 tuổi và hai đứa trẻ chưa đầy 15 tuổi. Không một phút đắn đo, ông cùng các thành viên lao xuống ứng cứu và đưa họ vào bờ an toàn.

Nói chuyện với PV, Thượng tá Đặng Ngọc Tường, Đồn trưởng đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam cho biết: “Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, ông Ba Thoại đã cứu gần 100 người gặp nạn trên biển với gần 20 tàu thuyền bị nạn. Cũng vì nhiều lần cứu người nên người dân ở làng biển Phú Lạc ví ông là “mắt biển”. Ông là người có kinh nghiệm sóng nước nhất ở cái vùng biển này”.

Mỗi lần cứu người, ông Ba Thoại luôn kiên quyết khước từ mọi sự trả nghĩa bằng vật chất mà chỉ vui vẻ ghi nhận tấm lòng. Ông Nguyễn Học ở làng biển Phú Thọ (xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) xem Ba Thoại là người sinh ra mình lần thứ hai. Ông kể: “Một ngày năm 2009, tàu của tôi ra khơi kéo được rất nhiều cá. Lúc về gần đến bờ thì gặp nạn. Trong lúc hoảng loạn, tôi mở máy đàm gọi kêu cứu. Rất may là gặp được tàu của Ba Thoại. Lúc đó, tàu của ông Ba Thoại mới bắt đầu rời đất liền. Không ngần ngại, ông ấy lai dắt tàu của tôi vào đất liền an toàn. Chuyến ra khơi đó, tàu Ba Thoại số cá đánh được không đủ tiền dầu. Tôi có gửi anh ấy một chút tiền dầu nhưng anh nhất quyết không chịu. Chúng tôi, những ngư dân bám biển, lúc nào cũng tôn trọng và quý mến anh ấy”.

Làm nhiều việc nghĩa như vậy, nhưng khi chúng tôi hỏi đến, ông Ba Thoại cười và nói: “Có gì đâu. Dân biển bọn tôi bao giờ cũng thuộc lòng: Giữa biển sống chết khôn lường. Muốn sống phải có anh em, bạn bè. Vậy nên, cứ thấy người bị nạn là cứu”. Có lẽ cũng vì phương châm sống ấy mà ông Thoại luôn bất chấp nguy hiểm để cứu tàu gặp nạn.

“Đầu tàu” của làng chài

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, bà Lê Thị Tâm, Trưởng thôn Phú Lạc nhận xét: “Ông Nguyễn Văn Thoại chính là “đầu tàu” của làng chài Phú Lạc. Ai gặp khó khăn đều tìm đến ông. Chính ông đã vận động bà con ngư dân tập hợp thành từng tổ, nhóm đoàn kết làm ăn, hỗ trợ nhau khi khó khăn. Gia đình của ông Thoại la gia đình có truyền thống cách mạng. Bản thân ông Thoại là một Đảng viên gương mẫu”.

DƯƠNG KHA

[mecloud]bmmt0QsILI[/mecloud]

Tin nổi bật