Theo RT, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết phản ứng “thiếu khôn ngoan” của Liên minh châu Âu (EU) đối với cuộc xung đột ở Ukraine đã gây tổn hại nghiêm trọng đến kinh tế của khối. Việc Brussels kiên quyết hạn chế thương mại với Trung Quốc khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Tại cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao EU hôm 30/5 ở Brussels, Ngoại trưởng Szijjarto chia sẻ châu Âu đang đối mặt với những khó khăn kinh tế nghiêm trọng và kinh tế đang suy thoái nhanh chóng. Theo ông, tình hình “đã trở nên xấu đi kể từ khi xung đột bùng nổ”.
“Hungary đã phải trả giá đắt vì cuộc xung đột này dưới hình thức chi thêm 10 tỷ euro tiền năng lượng”, ông nói.
Ngoại trưởng Szijjarto cũng giải thích rằng, lạm phát tại Hungary tăng lên không phải vì “chiến lược kinh tế của chúng tôi sai lầm hay vì chúng tôi đã đưa ra những quyết định tồi tệ, mà là bởi xung đột và các lệnh trừng phạt đối với nó”.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: Hungary Today
Được biết, EU đã áp đặt 13 đợt trừng phạt kinh tế đối với Nga, bao gồm cả lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Moscow. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nhiều lần nhắc đến chuyện phủ quyết việc thông qua các lệnh trừng phạt này nhằm đảm bảo các nhượng bộ từ Brussels, bao gồm cả việc miễn trừ một phần khỏi lệnh cấm vận dầu mỏ toàn khối của EU.
Tuần trước, Ngoại trưởng Szijjarto nói rằng Hungary không thể ủng hộ gói trừng phạt thứ 14 mà EU đề xuất, bởi những hạn chế của khối này về hợp tác năng lượng hạt nhân sẽ ảnh hưởng tới nhà máy điện hạt nhân Paks II của Hungary mà Tập đoàn hạt nhân Rosatom của Nga đang giúp xây dựng.
"Chúng tôi đã xem xét vấn đề này và dường như khoảng 41% nghị quyết của EU về Ukraine đã bị Hungary chặn lại”, Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis phàn nàn sau tuyên bố của ông Szijjarto.
Phát biểu tại cuộc họp ngày 30/5, Ngoại trưởng Hungary cáo buộc EU đang tiếp tục thắt chặt nền kinh tế của khối bằng cách áp dụng “cách tiếp cận mang tính ý thức hệ đối với các vấn đề kinh kế, hậu quả là thế giới lại rơi vào tình trạng chia thành các khối”.
Ý kiến nói trên đề cập đến các hạn chế thương mại của Ủy ban châu Âu (EC) đối với Trung Quốc - một chính sách mà bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu gọi là “giảm rủi ro”.
Ngoại trưởng Szijjarto nói thêm: “Brussels và các nước Tây Âu khác đang tìm cách phá hủy sự hợp tác Đông - Tây hoàn toàn đúng đắn”.
Ông đồng thời cho rằng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, chẳng hạn như các loại thuế hiện đang được xem xét đối với xe điện của Bắc Kinh, có thể “hạ gục” nền kinh tế châu Âu.
“Hợp tác kinh tế là điều hết sức cần thiết để EU không phải là người thua cuộc mà là người chiến thắng trong cuộc chuyển đổi mang tình cách mạng quan trọng nhất của nền kinh tế thế giới, cụ thể là sự chuyển đổi của ngành công nghiệp ô tô”, Ngoại trưởng Szijjarto nêu ý kiến.
Được biết, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD hồi năm ngoái cho biết sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện ở thành phố Szeged (Hungary), trở thành hãng ô tô đầu tiên của Trung Quốc mở nhà máy tại châu Âu. Nhà máy này dự kiến sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm và đi vào hoạt động trong vòng 3 năm.