Theo Dân Trí, bệnh nhân là anh C.A.P. (40 tuổi, trú tại Bình Dương) được chuyển từ một bệnh viện tư nhân ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đến trong tình trạng rối loạn tri giác, lừ đừ, mắt mờ. Qua lời kể từ gia đình, vào ngày 17/4, anh P. cùng các thành viên trong gia đình có uống rượu ngâm chuối hột trong ngày giỗ người thân.
Sau đó, anh P. về nhà nghỉ ngơi, nhưng đến tối cùng ngày thì bắt đầu thấy mệt. Sang ngày hôm sau, anh bị nôn ói nhiều nên gia đình đưa đi bệnh viện. Tại bệnh viện ở Bình Dương, qua khai thác bệnh sử và triệu chứng, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân ngộ độc rượu nên chuyển tuyến trên, với chẩn đoán hôn mê chưa rõ nguyên nhân.
Ngoại bệnh nhân P. thì còn một người khác cũng uống rượu chuối hột và không qua khỏi. Ảnh minh họa
Một người thân khác nhậu chung với anh P. cũng nôn ói nặng, được đưa vào viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
BSCKII Đỗ Thị Ngọc Khánh, Phó khoa Bệnh Nhiệt đới, cho biết thời điểm nhập Bệnh viện Chợ Rẫy, đây đã là ngày thứ 2 sau khi người bệnh uống rượu.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân vào khoa Cấp cứu, sau đó chuyển khẩn lên khoa Bệnh Nhiệt đới. Kết quả xét nghiệm cho thấy anh P. có tình trạng toan chuyển hóa nặng, tổn thương thận cấp. Bệnh nhân được gửi mẫu sang Trung tâm Pháp y TPHCM để làm xét nghiệm độc chất. Kết quả xét nghiệm nồng độ methanol trong máu và nước tiểu lần lượt là 90,69 và 117,98 mg/dL.
Bệnh nhân được chỉ định lọc máu ngắt quãng. Sau một lần lọc máu, bệnh nhân tỉnh, mắt nhìn rõ, toan chuyển hóa cải thiện, đi tiểu nhiều, suy thận giảm và hồi phục tốt.
Dự kiến, sau 24 sau thời gian lọc máu, nếu không xuất hiện biến chứng, bệnh nhân được xuất viện.
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Tốt, khoa Hồi sức nội và chống độc, Trung tâm Hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), ngộ độc methanol rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là các trường hợp đến muộn. Trong trường hợp nhập viện quá trễ, bệnh nhân có thể tử vong vì suy đa cơ quan và toan chuyển hóa nặng.
"Rượu nào cũng có hại đối với sức khỏe, ngay cả những loại đạt chất lượng sản xuất theo quy định. Trong trường hợp trên, nếu không được nhập viện, điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong ở mức rất cao. Một số trường hợp may mắn được cứu sống có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác", bác sĩ Tốt nói.
Với trường hợp ngộ độc rượu methanol nặng như trên, ngoài thở máy, bệnh nhân phải lọc máu (lọc máu ngắt quãng hoặc lọc máu liên tục tùy theo tình trạng bệnh nhân) kèm với các biện pháp bổ sung khác như sử dụng acid folic, bổ sung ethanol 20%. Do đó, bác sĩ Tốt khuyến cáo người dân nên sử dụng rượu có nguồn gốc và hạn chế uống rượu bia để đảm bảo sức khỏe, theo Tri Thức Trực Tuyến.
Thùy Dung (t/h)