Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Gia Lai: Ngộ độc do ăn thịt cóc, một trẻ 2 tuổi tử vong

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Trung tâm Y tế huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) vừa tiếp nhận vụ 3 người ngộ độc do ăn thịt cóc, trong đó một trường hợp đã tử vong.

Ngày 7/4, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận vụ 3 người bị ngộ độc do ăn thịt cóc, theo báo Công An Nhân Dân.

Cụ thể, rạng sáng cùng ngày, khoa Hồi sức cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Chư Sê tiếp nhận 3 trường hợp ngộ độc do ăn thịt cóc, gồm Đ.T (14 tuổi, ngụ xã Al Bá, huyện Chư Sê), Đ.N (6 tuổi) và N.Đ.T.T (2 tuổi), cùng ngụ xã Ia Rong, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai.

Hai trường hợp Đ.T và Đ.N nhập viện trong tình trạng da niêm hồng, nôn ói nhiều lần, chưa đi cầu, không rung giật cơ, không khó thở, phổi không nghe ran, bụng mềm.

Trong khi đó, bé N.Đ.T.T vào viện trong tình trạng huyết áp không đo được, mạch không bắt được, đồng tử giãn tối đa, da tím tái toàn thân.

Sau khoảng 30 phút cấp cứu, hồi sức tích cực không có kết quả, cơ quan chức năng xác định nạn nhân đã tử vong. Gia đình đã đưa nạn nhân về nhà lúc 1h15 cùng ngày để thực hiện thủ tục mai táng theo phong tục.

Thông tin trên báo Pháp Luật TP.HCM, nguyên nhân tử vong được xác định là do ngưng tuần hoàn hô hấp/ngộ độc thịt cóc. Hiện nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Theo lời kể của người nhà nạn nhân, trước khi nhập viện, các trường hợp này đã tổ chức nấu ăn có thịt cóc tại nhà ở xã Ia Rong, huyện Chư Pưh.

Hai trường hợp bị ngộ độc thịt cóc đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện Chư Sê. Ảnh: Công An Nhân Dân

Trước đó, trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng xảy ra vụ ngộ độc do nướng thịt cóc ăn. Cụ thể, chiều ngày 3/5/2020, các em T.M.A (SN 2013), T.V.N (SN 2013) và T.T.A.N (SN 2014) là anh em trong một gia đình ở xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) đã bắt cóc chơi và sau đó tự nướng ăn.

Tới 17h30 cùng ngày, người nhà phát hiện sự việc. Người mẹ đã tự kích thích gây nôn cho các con rồi đưa ngay đến bệnh viện kiểm tra. Khi bệnh viện tiếp nhận, cả 3 anh em đều có triệu chứng chóng mặt, buồn nôn và tiêu chảy.

Các bác sĩ đã ngay lập tức cấp cứu cho bệnh nhi. Tới ngày 5/5/2020, sức khỏe của các em đã tạm ổn, không nguy kịch, tiếp tục được theo dõi ở bệnh viện, báo Nghệ An thông tin.

Theo các tài liệu y khoa, nhiều bộ phận của cóc chứa độc tố, trong đó độc tố nguy hiểm gây chết người là tetrodotoxin có trong da, gan, trứng, mủ, mắt của cóc. Hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của cóc chứa bufotenin - một chất cực độc, dễ gây chết người (kể cả khi nấu ở nhiệt độ cao, độc tố này cũng không phân hủy, khi ăn phải gây ngộ độc nặng nề).

Ngộ độc độc tố từ cóc tùy từng mức độ có thể gây mệt mỏi, buồn nôn, nôn, nhức các chi, nặng hơn là rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, hoảng hốt vì thế sinh ra ảo giác, co giật, ngừng thở ngừng tim nếu không được cấp cứu kịp thời.

Mặc dù thịt cóc là thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng nếu sử dụng mà không biết cách chết biến thì nguy cơ ngộ độc và tử vong rất cao. Do vậy, tốt nhất nên loại thịt cóc ra khỏi danh sách thực phẩm của gia đình.

Trong trường hợp lỡ dính chất nhầy bài tiết của cóc vào tay, mắt, miệng..., nên nhanh chóng rửa vùng tiếp xúc nhiều lần bằng nước sạch.

Khi gặp người bị ngộ độc thịt cóc, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và chữa trị kịp thời.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật