Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ngộ độc methanol, người đàn ông 56 tuổi phải lọc máu cấp cứu

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Người đàn ông nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, da tím tái, chân tay lạnh và tiểu tiện không tự chủ, được chẩn đoán bị ngộ độc cấp methanol tiên lượng rất nặng.

Theo báo An Ninh Thủ Đô, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh cho biết, khoa Cấp cứu của đơn vị vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 56 tuổi vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, da tím tái, chân tay lạnh, tiểu tiện không tự chủ.

Theo chia sẻ của gia đình, người bệnh có tiền sử nghiện rượu. Các bác sĩ nhanh chóng chỉ định đặt ống nội khí quản, chụp CT sọ não đánh giá tổn thương thần kinh, làm các xét nghiệm tổng quát và xét nghiệm khí máu.

Kết quả xét nghiệm khí máu cho thấy có tình trạng toan chuyển hóa nặng, bệnh nhân được chẩn đoán bị ngộ độc cấp methanol tiên lượng rất nặng. Sau đó, người bệnh được chuyển lên Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, xét nghiệm nồng độ methanol trong máu bệnh nhân rất cao, phải lọc máu cấp cứu.

Thông tin từ Bộ Y tế, methanol là một loại cồn công nghiệp, được sử dụng để làm dung môi pha sơn, dung dịch tẩy rửa, nước hoa, chất chống đông lạnh... Methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, ngọt, dễ uống hơn.

Do có độc tính cao với cơ thể, methanol chỉ được sử dụng với một lượng hạn chế trong công nghiệp, không được dùng làm rượu thực phẩm để uống như ethanol. Thế nhưng, trong một số loại rượu giả, rượu tự pha chế vẫn có pha cồn methanol lẫn với ethanol, nếu uống phải loại rượu này sẽ gây ra ngộ độc methanol dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Mọi người tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu tự pha chế, đặc biệt rượu pha chế từ cồn công nghiệp (methanol). Ảnh minh họa: An Ninh Thủ Đô

Báo Công Thương dẫn lời TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cho hay, rượu được pha từ cồn công nghiệp methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn.

Khi mới uống, người bệnh cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Khoảng 1-2 ngày sau khi uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều axit formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến bệnh viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt, tụt huyết áp, trong tình trạng nguy kịch.

Theo các chuyên gia, có 2 loại ngộ độc rượu gồm ngộ độc mạn tính và ngộ độc cấp tính. Ngộ độc mạn tính xảy ra với những người nghiện rượu.

Trường hợp ngộ độc cấp tính thường phải nhập viện do uống quá nhiều rượu hoặc uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng được pha chế từ cồn công nghiệp chứa độc tố methanol gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần mức cho phép (vì chất hóa học methanol độc hại này chỉ được dùng trong công nghiệp như chế biến sơn, đánh bóng đồ gỗ…).

Với ngộ độc rượu ethanol, triệu chứng từ nhẹ như hưng cảm, mất điều hòa, giảm khả năng phán xét, kích thích, hung hãn; đến nặng như hôn mê, thở yếu hoặc ngừng thở, sặc phổi, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp, biến chứng hạ đường huyết.

Trong khi đó, ngộ độc rượu pha chế có methanol lúc đầu biểu hiện giống ngộ độc ethanol, sau đó là giai đoạn ngộ độc thực sự (thường khoảng 8 giờ sau uống nếu là methanol đơn thuần nhưng thường trong rượu uống có cả ethanol nên biểu hiện có thể chậm 18 - 24 giờ sau hoặc lâu hơn): thở nhanh, sâu, rối loạn về nhìn (nhìn mờ, nhìn đôi, nhìn thấy các đốm, thu hẹp thị trường, mù). Nếu nặng thì đồng tử giãn, mạch nhanh, tụt huyết áp, co giật và có thể tử vong.

Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, mọi người nên hạn chế uống rượu, không uống rượu khi đói. Ngoài ra, tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu tự pha chế, đặc biệt rượu pha chế từ cồn công nghiệp (methanol).

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật