Hút thuốc lá điện tử trong 6 năm, phổi của Draven Hatfield hiện tại đã chạm mức của người đã hút thuốc 30 năm.
Hatfield được thông báo bị tràn khí màng phổi tự phát, hay còn gọi là xẹp phổi, xảy ra khi không khí mắc kẹt giữa phổi và thành ngực không thể thoát ra.
Hatfield phải nhập viện 4 lần do tràn dịch màng phổi. Ảnh: Kennedy News and Media.
Sau khi trải qua một tuần nối ống dẫn lưu ở ngực, Hatfield quay trở lại làm việc và bắt đầu hút thuốc lá điện tử một lần nữa. Anh thừa nhận không biết sự liên quan giữa việc bị tràn khí màng phổi với thói quen của mình. Một tuần sau đó, Hatfield lại bị tràn khí màng phổi lần thứ 2.
Không cung cấp rõ thời gian bị tràn khí màng phổi lần thứ 3 nhưng Hatfield cho hay đến lần này, anh quyết định bỏ hút thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, anh vẫn gặp sự cố này một lần nữa.
"Lần thứ tư bị tràn khí màng phổi, tôi chỉ biết ngồi đó và cảm nhận mọi thứ xảy ra lần nữa", Hatfield cho hay tại bệnh viện, các bác sĩ đã phải phẫu thuật và cạo bong bóng khí ra khỏi phổi anh.
Mặc dù đã hồi phục sau ca phẫu thuật, Hatfield cho biết nó vẫn có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, cuộc sống. Anh vẫn cảm thấy đau ở ngực, nơi phần phổi bị xẹp và thường gặp các vấn đề về lưng dưới.
Hatfield cho hay anh đã bỏ thuốc lá điện tử vĩnh viễn nhờ kẹo cao su nicotin. Anh cũng đang góp phần truyền bá nhận thức đến mọi người về sự nguy hiểm của việc hút thuốc lá điện tử.
Các nghiên cứu đã chứng minh, trong quá trình đốt các dung dịch tạo khói, tạo mùi hoặc đốt các sợi thuốc, thuốc lá điện tử có thể phát thải ra các chất như Acrolein, Volatine Organic Chemical, Acetaldehide, Carbone Monoxide, Policyclique Aromatic Hydrocarbone, Nicotine, Formadehide….Trong số này, có nhiều chất đã được xác định là tác nhân gây bệnh ung thư.
Cảnh báo nguy cơ gây hại từ thuốc lá điện tử. Ảnh minh họa
Nguy cơ mắc ung thư đối với người sử dụng thuốc lá điện tử phụ thuộc rất nhiều vào cách hút và tần suất hút. Điều nguy hiểm là với các chất hướng vị, tạo mùi phong phú và hấp dẫn, người sử dụng đang có xu hướng dùng thuốc lá điện tử ngày càng nhiều với tần suất hút ngày càng gia tăng.
Thống kê trong nội địa nước Mỹ của cơ quan quản lý thực phẩm và chất kích thích của Hoa Kỳ (FDA) cho thấy, tính đến đầu năm 2020, có tới gần 3 ngàn trường hợp bệnh nhân phổi có liên quan tới thuốc lá điện tử phải nhập viện, trong đó, 15% dưới 18 tuổi; 37% từ 18 đến 24 tuổi. 68 ca tử vong có liên quan tới thuốc lá điện tử cũng đã được ghi nhận ở 29 tiểu bang của Mỹ.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo thuốc lá điện tử, trên thực tế, nguy hại không khác gì thuốc lá thông thường. Đồng thời, kêu gọi chính phủ các nước nên cấm hoặc nên quản lý chặt chẽ việc xuất, nhập khẩu, mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là việc sử dụng thuốc lá điện tử của giới trẻ.
Thùy Dung (t/h)