Mới đây, Lentz Group, một công ty thám tử tại Đức, đã khiến dư luận xôn xao khi bật mí một số dịch vụ mà họ cung cấp cho các đơn vị nhằm quản lý nhân sự.
Marcus Lentz, người sáng lập, tiết lộ rằng trong những năm gần đây, công ty này nhận được khoảng 1.200 trường hợp điều tra nhân viên mỗi năm, tăng gấp đôi so với trước đại dịch COVID-19. Chi phí thuê các dịch vụ này không được người này tiết lộ.
Theo cơ quan thống kê liên bang Destatis, người lao động Đức trung bình nghỉ ốm 15,1 ngày vào năm 2023, nhiều hơn năm 2021 với 11,1 ngày. Một trong những công ty bảo hiểm y tế theo luật định lớn của Đức cũng báo cáo mức trung bình người lao động nghỉ ốm 14,13 ngày trong 9 tháng đầu năm 2024.
Theo dữ liệu từ Tổ chức Phát triển Kinh tế (OECD), người Đức đã nghỉ trung bình 6,8% giờ làm việc của họ vào năm 2023 do ốm đau. Việc này khiến kinh tế Đức hoạt động kém hơn các quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu (EU) như Pháp, Ý và Tây Ban Nha.
Một lý do có thể dẫn đến tỷ lệ nghỉ ốm cao như vậy là sau đại dịch COVID-19, các nhân viên rất dễ xin được giấy chấp thuận của bác sĩ để nghỉ phép.
Ảnh minh họa.
Trong đại dịch COVID-19, Đức đã đưa ra một hệ thống cho phép các nhân viên mắc triệu chứng ốm nhẹ có thể xin giấy chứng nhận nghỉ làm qua điện thoại. Khi có giấy xác nhận bị ốm, họ sẽ được nghỉ phép hưởng nguyên lương, tối đa 6 tuần/năm. Các tổ chức bảo hiểm y tế là đơn vị chi trả tiền trợ cấp ốm đau cho người lao động.
Đối mặt với gánh nặng tài chính, một số công ty đã chuyển sang thuê thám tử tư để điều tra xem nhân viên của họ có thật sự bị ốm hay không. Mặc dù chi phí thuê thám tử khá cao, các công ty xem đây là khoản đầu tư xứng đáng để giải quyết tình trạng làm việc kém hiệu quả của nhân viên.
"Ngày càng có nhiều công ty không muốn chịu đựng nữa", Lentz chia sẻ.
Lentz cho biết có nhiều trường hợp nhân viên nghỉ ốm dài hạn để giúp đỡ các doanh nghiệp gia đình hoặc cải tạo nhà cửa. Tuy nhiên, khi có đủ bằng chứng cũng chưa chắc chắn rằng có thể sa thải nhân viên thành công.
Ví dụ, một tài xế xe buýt đã nhận quyết định sa thải sau khi bị phát hiện đang hát và chơi đàn piano tại một quán bar trong thời gian nghỉ ốm. Tuy nhiên, tòa án đã phán quyết rằng những hoạt động như vậy đã giúp cải thiện tình trạng lo âu và ra lệnh phục chức cho anh ta.
Các chuyên gia cảnh báo rằng việc điều tra nhân viên không thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng nghỉ ốm cao. Ngoài những trường hợp giả bệnh, tỷ lệ nghỉ ốm còn tăng do nhiều vấn đề chính đáng, như sự gia tăng bệnh về đường hô hấp, căng thẳng công việc và các vấn đề sức khỏe tâm thần hậu đại dịch.
Trong khi đó, động thái thuê thám tử điều tra nhân viên đã làm dấy lên tranh cãi về đạo đức và quyền riêng tư. Một số ý kiến cho rằng thay vì chi tiền để giám sát nhân viên, các công ty nên cải thiện môi trường làm việc và hỗ trợ sức khỏe người lao động.
Tin tức này không chỉ gây chú ý tại Đức mà còn tạo nên cuộc thảo luận sôi nổi ở Trung Quốc, nơi chế độ nghỉ ốm thường bị trừ lương. Một người dùng mạng bình luận: "Khoan đã, ở Đức nghỉ ốm không bị trừ lương hay thưởng sao? Thật là một giấc mơ". Người khác lại nói: "Nếu ở Đức áp dụng chính sách trừ lương khi nghỉ ốm như Trung Quốc, chắc chắn tình trạng này sẽ giảm ngay".