Georgina, 36 tuổi, sống tại Cork, Ireland, đã chào đón con gái Rylee vào tháng 5/2022 sau gần hai thập kỷ chịu đựng nỗi đau 23 lần sảy thai. Đây là một "phép màu" khi các bác sĩ từng nhận định khả năng sinh con của cô gần như không còn.
Georgina và Ken gặp nhau vào năm 2004 và chẳng bao lâu sau đó, họ chào đón cậu con trai đầu lòng, Leon. Quá trình mang thai Leon của Georgina diễn ra suôn sẻ, không gặp bất kỳ trở ngại nào. Hai năm sau, cặp đôi quyết định sinh thêm em bé để hai con có khoảng cách tuổi phù hợp.
Georgina nhanh chóng mang thai chỉ sau vài tháng cố gắng, điều này khiến cả hai vô cùng hạnh phúc và tin rằng lần mang thai này cũng sẽ thuận lợi như lần đầu. Thế nhưng, chỉ vài tuần sau, Georgina bất ngờ bị ra máu, khiến cô vô cùng hoảng sợ. Ken nhanh chóng đưa vợ đến bệnh viện, nơi bác sĩ xác nhận cô đã bị sảy thai.
Vợ chồng Georgina chào đón bé gái sau 23 lần mang thai không thành công. Ảnh: The Sun
Nỗi đau mất con khiến họ suy sụp, nhưng Georgina và Ken vẫn khao khát được làm cha mẹ thêm một lần nữa. Georgina chia sẻ: "Chúng tôi tiếp tục cố gắng có con, nhưng rồi lại mất con. Tôi thực sự không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Việc tiếp tục rất khó khăn, nhưng vì mong muốn được làm cha mẹ thêm lần nữa quá lớn, chúng tôi đã tự ép mình phải tiếp tục cố gắng mang thai".
Nỗi đau này cứ thế tiếp diễn hết năm này qua năm khác. Từ hai lần sảy thai, con số tăng lên bảy, rồi đến mười hai lần... Georgina đã tìm đến nhiều phương pháp điều trị khác nhau, từ các loại thuốc đặc trị đến việc tìm gặp các chuyên gia tận bên Mỹ. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp, bao gồm cả điều trị bằng steroid và phẫu thuật hỗ trợ sinh sản, đều không mang lại kết quả.
Năm 2020, một chẩn đoán nghiệt ngã khác ập đến với Georgina: mang thai ngoài tử cung. Cô buộc phải trải qua phẫu thuật cắt bỏ một bên ống dẫn trứng. Không chỉ vậy, ống dẫn trứng còn lại cũng bị tổn thương nghiêm trọng, gần như dập tắt hy vọng mang thai của cô. Georgina nhớ lại lời bác sĩ: "Bác sĩ nói cơ hội có con của tôi là vô cùng thấp."
Năm 2021, Georgina quyết định tiêm vaccine ngừa COVID-19 để bảo vệ sức khỏe bản thân. Một điều kỳ diệu đã xảy ra chỉ vài tháng sau đó: Georgina phát hiện mình mang thai lần thứ 24. Lần mang thai này hoàn toàn khác biệt so với những lần trước. Thai nhi phát triển ổn định, vượt qua tất cả những khó khăn mà Georgina đã từng trải qua trong 23 lần mang thai trước đó.
Khoảnh khắc nghe thấy nhịp tim thai trong lần siêu âm đầu tiên, Georgina đã không thể kìm nén được những giọt nước mắt hạnh phúc. "Tôi đã không được nghe âm thanh này trong suốt nhiều năm," cô nghẹn ngào chia sẻ. Dù vậy, nỗi lo lắng mất con vẫn luôn ám ảnh vợ chồng cô cho đến tận tuần thứ 30 của thai kỳ.
Cuối cùng, điều kỳ diệu đã thực sự đến. Vào tháng 5 năm 2022, Georgina hạ sinh bé gái Rylee khỏe mạnh với cân nặng 3,35 kg. "Ken và tôi vẫn không thể tin được. Phép màu nhỏ bé của chúng tôi thực sự đã ở đây," Georgina xúc động nói.
Trường hợp của Georgina tuy hiếm nhưng k phải là duy nhất. Trước đó, một người phụ nữ 37 tuổi, ở miền Trung, Trung Quốc, đã mang thai thành công sau 26 lần sảy thai trước đó.
Theo lãnh đạo bệnh viện, người phụ nữ đã luôn mơ ước có con và được làm mẹ. Tuy nhiên, cô gần như tuyệt vọng khi bị sảy thai lần thứ 26 vào năm 2019. Sau khi can thiệp phẫu thuật từ bệnh viện, cô phát hiện mình mang thai lần thứ 27 vào tháng 2 năm nay và hạ sinh bé gái.
Các chuyên gia đánh giá đây là một thành công của y tế Trung Quốc. Tuy nhiên, câu chuyện về người phụ nữ đã trở thành tâm điểm tranh cãi kể từ ngày được công bố. Nhiều người cho rằng người mẹ đã "để tình mẫu tử đè nặng lên cuộc sống". Một số khác cảm thấy "kinh hoàng" trước nỗi ám ảnh về việc có con của cặp vợ chồng và cái giá về sức khỏe tinh thần cũng như thể chất mà người phụ nữ phải trả.
Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ sảy thai nhiều lần là vì tử cung của họ quá dễ đậu phôi - ngay cả những phôi kém chất lượng (vốn dĩ phải bị đào thải ngay). Điều này khiến quá trình mang thai sau đó thất bại.
Các nguyên nhân khác bao gồm tử cung kém phát triển, u xơ tử cung, dị dạng, hở eo tử cung, bệnh lạc nội mạc... Giảm hormone nội tiết Estrogen, Progesteron, cường hoặc thiểu năng tuyến giáp cũng có thể là nguyên nhân khiến một số người bị sảy thai, theo SCMP.