Cuối thập niên 1970, tại Nội Mông, Trung Quốc, một người đàn ông lớn tuổi họ Vương, trong lúc mưu sinh bằng nghề nhặt rác, đã phát hiện ra một thứ mà sau này được coi là "báu vật".
Theo thông tin từ Sina, cuộc sống của ông Vương vô cùng khó khăn. Ông thường xuyên phải tìm kiếm và thu gom những vật dụng bỏ đi để đổi lấy chút tiền sinh hoạt. Vào một ngày gần Tết Nguyên Đán, như thường lệ, ông Vương đến một bãi rác ở vùng ngoại ô với hy vọng tìm được một vài món đồ gia dụng cũ để bán cho trạm tái chế. Khi ngày tàn và ông chuẩn bị ra về, bất ngờ ông nhận thấy một vật thể lấp lánh giữa đống phế liệu.
Cứ ngỡ nhặt được sắt vụn đem bán kiếm tiền, hóa ra, thứ ông cụ Trung Quốc này tìm thấy được lại là “bảo vật” quý giá. Ảnh minh họa/Sohu
Khi đến gần hơn, ông Vương nhận thấy vật thể đó trông như những thanh sắt bị gỉ sét bao phủ bên ngoài, nhưng bên trong lại ánh lên màu vàng. Chúng nặng khoảng 3,5kg. Nghĩ rằng thứ bỏ đi này có thể bán được chút tiền, ông vội vàng mang chúng về nhà. Để làm sạch lớp gỉ sắt, ông đã đốt lửa và nung nóng những thanh này. Kết quả là chúng trở nên sáng bóng hơn, màu vàng rực rỡ dần hiện ra. Lúc này, ông Vương mới nhận ra thứ mình nhặt được không phải là sắt vụn thông thường mà là vàng nguyên khối.
Nhận thức được mình vừa tìm thấy một "kho báu", ông lão lập tức quay trở lại bãi rác với hy vọng tiếp tục gặp may. Quả nhiên, lần này ông tìm thấy một chiếc túi nhỏ chứa những thanh kim loại tương tự. Sáng hôm sau, ông mang số vàng này đến một cửa hàng kim hoàn trong thị trấn để đổi lấy tiền.
Sau khi kiểm tra cẩn thận, chủ tiệm kim hoàn thông báo rằng số vàng của ông Vương chứa rất nhiều tạp chất, không phải là vàng nguyên chất, do đó giá thu mua sẽ không cao. Hơn nữa, chúng cần phải được nấu chảy và tinh chế lại. Cuối cùng, sau khi loại bỏ lớp gỉ sắt bên ngoài cùng các tạp chất, ông Vương nhận được 12.000 NDT (tương đương gần 40 triệu đồng theo tỷ giá thời điểm đó) từ khoảng 4kg vàng mà ông đã thu nhặt được.
Lão nông đem cổ vật đi nung chảy. Ảnh minh họa/Sohu
Vào thời điểm ấy, việc sở hữu một gia tài trị giá lớn như vậy là điều vô cùng hiếm hoi. Chính vì vậy, câu chuyện ông lão nhặt được vàng đã nhanh chóng lan rộng khắp vùng, gây xôn xao dư luận và thu hút sự chú ý của Cục Di sản Văn hóa địa phương. Với nghi ngờ số vàng mà ông Vương tìm thấy có thể là cổ vật, các cán bộ liên quan đã lập tức đến nhà ông để tìm hiểu sự việc.
Dựa trên những mô tả và thông tin mà ông lão cung cấp về hình dáng và đặc điểm của những vật thể đã nhặt được, các cán bộ đã thu thập những mảnh vụn còn sót lại để tiến hành nghiên cứu. Kết quả cuối cùng cho thấy đó hoàn toàn không phải là những thanh sắt hay thỏi vàng thông thường, mà là những món đồ cổ bằng vàng có niên đại từ thời Hung Nô, những di vật lịch sử vô giá.
Dựa trên số lượng và kích thước mà ông Vương cung cấp, các chuyên gia ước tính giá trị của lô cổ vật bằng vàng thời Hung Nô này ít nhất là 300 triệu NDT (tương đương gần 1000 tỷ đồng). Thật đáng tiếc khi những báu vật vô giá, mang giá trị văn hóa to lớn như vậy lại bị ông lão nung chảy chỉ để đổi lấy một khoản tiền nhỏ so với giá trị thực của chúng.
Trước đó, một số cổ vật cũng được khai quật vào thời kỳ Hung Nô bao gồm lư hương bằng bạc hình hoa sen, bình hoa mận men đen có chạm khắc, bát và bình bằng vàng và bạc… Những món đồ này đều được chế tác thủ công rất tinh xảo, trong đó giá trị nhất phải nói đến chiếc vương miện vàng hình đại bàng của vua Hung Nô. Vương miện này sau đó được trưng bày trong Bảo tàng Nội Mông.
Trên thực tế, mỗi quốc gia sau hàng nghìn năm thăng trầm lịch sử có lẽ vẫn sẽ còn rất nhiều cổ vật, di sản văn hóa trôi nổi chưa thể tìm thấy. Khi chúng ta vô tình phát hiện ra chúng nhưng không chắc chắn thì hãy báo cáo các chuyên gia, các cấp hay ban ngành liên quan để giúp xác định rõ nguồn gốc cho những món đồ đó. Có như vậy, chúng ta mới có thể lưu giữ và bảo tồn được giá trị của chứng tích văn hóa quý giá này.