Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghệ sĩ Kiều Mai Lý - một đời trọn tình trọn nghĩa của cô đào hát sở hữu tiếng cười hào sảng (kỳ 1)

(DS&PL) -

Dù nghề biến chuyển đa sắc nhưng tâm tính của bà cũng chỉ có một lựa chọn sống trọn tình trọn nghĩa với đời.

Dù nghề biến chuyển đa sắc nhưng tâm tính của bà cũng chỉ có một lựa chọn sống trọn tình trọn nghĩa với đời.

Kỳ 1: Số phận kỳ lạ của cô bé bước vào nghề đã thành đào chánh

Hơn 55 năm sống với nghề, nghệ sĩ Kiều Mai Lý chưa bao giờ đóng khung bản thân trong một hình mẫu nhất định. Mới vào nghề, trong mắt khán giả, Kiều Mai Lý đóng đào mùi, khóc ngọt hơn mía nhưng vài năm sau, nữ nghệ sĩ lại biến hóa với các dạng vai đào lẳng, đào độc, hài hước... Dù nghề biến chuyển đa sắc nhưng tâm tính của bà cũng chỉ có một lựa chọn sống trọn tình trọn nghĩa với đời.

Số phận kỳ lạ đã đưa Kiều Mai Lý rời xa người mẹ ruột thịt để gắn bó với 1 gia đình mới. Nơi ở mới, cha mẹ mới là khởi nguồn đưa đẩy bà đến với nghiệp hát ca. Cô gái nghèo thường giúp mẹ buôn gánh bán bưng, được 1 ông bầu chọn làm đào chánh của 1 gánh hát nhỏ. Từ bước ngoặt này, nữ nghệ sĩ bắt đầu chuỗi ngày thăng trầm, biến hóa cùng sân khấu.

Tuổi thơ buồn của một cô bé

Nghệ sĩ Kiều Mai Lý thời trẻ

Trong ngôi nhà nhỏ khang trang gần chợ Bà Chiểu (quận Gò Vấp, TP.HCM), nghệ sĩ Kiều Mai Lý thả hồn vào những ký ức thuở nhỏ. Ở cái tuổi 71, bà luôn cười hào sảng dù nói chuyện vui hay buồn. Bà lạc quan, ghét ai đó mặt mày ủ dột bởi cuộc đời này có cái gì khổ khắc nhất mà bà chưa trải qua đâu. Khổ đến mức không có ăn, chồng muốn tự vẫn,... ngôi nhà của bà vẫn đầy ắp tiếng cười. Cũng với tâm thế đó, nữ nghệ sĩ kể cho tôi nghe cuộc đời buồn của bà bằng giọng nói vút cao, nhịp nhàng, hào sảng. Cuộc đời của nghệ sĩ Kiều Mai Lý lắt léo, rơi vào nghịch cảnh từ thuở chưa biết gọi mẹ. Năm bà mới được 1 tuổi, mẹ bà lại mang thai thêm 1 đứa em. Ngày gần sanh, mẹ bà cứ lo lắng không ai chăm sóc cho cô con gái nhỏ, rồi đâm ra suy nghĩ lung tung, hoảng sợ những chuyện trong tưởng tượng. Để đảm bảo con gái khỏe mạnh trong lúc mình vượt cạn, mẹ bà cắn răng đưa con gái sang nhà hàng xóm thân thiết gửi gắm. Người mẹ ấy nào biết chuyến dắt tay đưa con sang nhà hàng xóm ấy dù gần nhưng lại xa mãi mãi. Kiều Mai Lý nhỏ lắm, nào có biết được mẹ ruột, mẹ nuôi ra làm sao. Thêm phần, người mẹ mới do hiếm muộn nên yêu thương bà hết mực. Dù nghèo, cha mẹ nuôi vẫn dành những điều tốt đẹp nhất cho con gái nhỏ. Thế nên, mới có chuyện, khi sức khỏe đã ổn định, mẹ ruột của bà sang nhà hàng xóm xin rước con về thì gặp cảnh con gái khóc không chịu về, cha mẹ nuôi của con khóc lên khóc xuống không muốn xa. Mẹ ruột của bà mới hỡi ôi, sợ gần sợ xa mới đưa con sang nhờ người quen trông hộ lại không ngờ mất luôn cả con. Cứ vậy, mỗi lần, mẹ ruột của Kiều Mai Lý nhớ con sang xin rước về thì tiếng khóc lại vang cả xóm. Thương cảm cho cảnh người hiếm muộn, bà ngoại của Kiều Mai Lý mới ra lời: “Người ta không có con, mày để người ta nuôi đi. Mắc gì mày bắt về chi cho cực lòng”. Ngẫm cũng đúng, bản thân có đến 10 đứa con mà người khác chỉ có con gái mình để bầu bạn sớm hôm, mẹ ruột của Kiều Mai Lý bấm bụng cho hẳn con. Dẫu gì cũng nhà gần nhau, hễ nhớ con, bà lại chạy ra thăm con. Nhà mẹ ruột nghèo, nhà mẹ nuôi còn nghèo hơn nhưng Kiều Mai Lý thấy vui lắm. Cha mẹ nuôi chọn buôn gánh bán bưng để kiếm đồng ra đồng vô lo cho con gái. Bà nhớ hoài hình ảnh, mẹ nuôi quẩy quang gánh, một bên là thúng bắp, một bên thúng bà ngồi vắt vẻo. Lúc đó, bà mới khoảng chừng 2-3 tuổi nhưng hiểu được những giọt mồ hôi thấm sau lưng áo mẹ nuôi. Khi Kiều Mai Lý lớn hơn một chút thì mẹ nuôi chuyển sang bán cháo, bì cuốn, hủ tiếu... Lúc này, cô bé đã hiểu được cần phải phụ giúp cha mẹ nên rất xông xáo bưng bê, xách nước, rửa chén. Cả nhà đoàn kết, cùng nhau lao động nhưng quanh năm Lý cũng chỉ có đúng một bộ quần áo do mẹ ruột mua cho. Thế nhưng, bà không bỏ cha mẹ nuôi để về với mẹ ruột. Cũng nhờ đó, bà mới có cơ duyên đến với nghề hát, chuyển mình với cuộc đời đa sắc.

Cô gái nghèo có làn hơi bỗng chốc thành đào chánh

Năm Kiều Mai Lý 12 tuổi, một người quen thấy bà có làn hơi phù hợp với đờn ca tài tử nên nói với cha mẹ nuôi cho bà đi học hát. Nhà nghèo, không có tiền để trả công cho thầy dạy hát tài tử, cải lương. Thế nên, hễ ngày nào có được ít tiền, bà lại dành dụm mua cho thầy ly cà phê đen, coi như cảm ơn thầy chứ công cán nào đo đếm mà trả hết.

Biết phận nhà nghèo, Lý cố gắng học hành chăm chỉ, mong một ngày đổi đời. Thầy giao cho một bài hát, sáng hôm sau, bà đã thuộc nằm lòng khiến thầy cũng phải sợ. Không chỉ thuộc câu chữ, bà òn thuộc đến từng nhịp phách.

Nghệ sĩ Kiều Mai Lý hiện nay

Học được khoảng 1 năm, Kiều Mai Lý bắt đầu đi hát đờn ca tài tử ở đám cưới, đám ma... Hễ thấy cô đến hát, mấy thầy đờn có tiếng thời bấy giờ rất quý mến. Bởi lẽ, cô hát hay, lại lễ phép, sống biết trên biết dưới. Trong một lần đi hát đám cưới, có một ông bầu đến hỏi mẹ nuôi của bà:

“Nhỏ này là gì với thím?”. Mẹ nuôi của bà mới nói: “Đó là con gái của tôi”. Ông bầu mới đánh tiếng mời bà đi hát nhưng mẹ nuôi bà rất lúng túng, không dám quyết định. Nhưng khi ông bầu nói sẽ cho cha mẹ theo cùng đoàn hát để chăm sóc con gái, mẹ nuôi của Kiều Mai Lý mới đồng ý cho con gái theo gánh hát.

Gánh hát nhỏ, Kiều Mai Lý đến đã được nhận làm đào chánh. Hát được vài tháng,  ánh hát gặp tháng mưa ế ẩm nên rã gánh. Một đoàn hát khác thấy vậy liền mời bà sang làm đào chánh. Từ đoàn hát này, tên tuổi của bà cũng bắt đầu được khán giả ở tỉnh biết đến.

Thời điểm này, nghệ sĩ Minh Cảnh giận bà bầu Kim Chung nên rời khỏi đoàn Kim Chung lập gánh hát mới. Nghe tiếng Kiều Mai Lý có làn hơi lạ, đoàn của Minh Cảnh lại thiếu đào chánh, nam nghệ sĩ tài danh mới mời bà về đoàn. Bà nhận lời, nghệ sĩ Minh Cảnh liền ký công tra (hợp đồng – PV) cho bà với giá 40.000 đồng. Năm đó bà mới vừa 16 tuổi.

Về đoàn Minh Cảnh, bà được hát với nam nghệ sĩ danh tiếng nên tên tuổi lên như diều gặp gió. Bà nhớ, khi đoàn ra miền Trung biểu diễn, bảng hiệu vừa kéo lên thì vé cũng đã được bán hết. Ở đoàn Minh Cảnh 4 tháng, tiếng tăm của bà đến tai của ông bầu Xuân, chủ đoàn Dạ Lý Hương lừng danh thời đó. Ông bầu Xuân mời gọi bà về đoàn với mức giá 350.000 đồng, đồng thời bà phải đền bù hợp đồng cho đoàn Minh Cảnh 80.000 đồng. Nữ  nghệ sĩ đồng ý về với đoàn Dạ Lý Hương dù biết nghệ sĩ Minh Cảnh sẽ giận. Bởi đoàn Dạ Lý Hương là một môi trường tốt, có nhiều tài danh để bà học hỏi thêm.

Khi bà trả tiền đền hợp đồng cho đàn anh, nghệ sĩ Minh Cảnh khóc và nói: “Anh Hai rất buồn”. Bà cũng buồn lắm nhưng mấy ai lại từ chối một cơ hội tốt, giúp gia đình thoát nghèo. Bỏ lại những tiếc nuối chốn cũ, bà bước vào một môi trường mới đầy bỡ ngỡ, hào nhoáng.

Đoàn Dạ Lý Hương sở hữu rất nhiều giọng ca nổi tiếng, kép chánh thì có Thành Được, Hùng Cường, Thanh Sang, Út Hiền, Dũng Thanh Lâm,...; hề thì có Thanh Việt, Văn Chung, Tùng Lâm, Tư Rọm...; đào chánh thì có Bạch Tuyết, Phượng Liên, Kim Ngọc, Trang Bích Liễu...

Đoàn nhiều nghệ sĩ tài danh đến nỗi  ông bầu Xuân phải chia ra, lập thành 2 đoàn hát để đảm bảo người nào cũng có vai, được lên sân khấu diễn. Đoàn nào của ông bầu Xuân cũng có doanh thu ngất ngưởng.

Trong môi trường mới chuyên nghiệp, anh chị em nghệ sĩ yêu thương nhau, công việc, lương bổng thuận lợi nhưng bà vẫn luôn nhớ về những ngày còn làm ở đoàn hát nhỏ. Với mỗi đoàn hát từng gắn bó, bà đều xem như nhà của mình. Bà nhớ những lần cũng các gánh hát nhỏ rong ruổi ở các tỉnh thành xa xôi, hẻo lánh. Cả đoàn phải ngủ ở khách sạn, thuê nhà dân sinh sống cả tháng trời. Mọi người sống với nhau rất gần gũi chân tình.

Mênh mang đến tận bây giờ trong ký ức của bà là những ngày cả đoàn phải di chuyển bằng ghe bầu nhỏ. Để đến được điểm diễn mới, họ phải đi một ngày một đêm trên chiếc ghe nhỏ. Trước những chuyến đi như vậy, mẹ nuôi của bà phải đi chợ mua khô mắm, làm cơm vắt để lên ghe ăn dần. Mấy anh chị em khác trong đoàn cũng cơm nắm muối rang mang theo. Khổ lắm nhưng bà luôn nhớ những bữa cơm chòng chành trên sông nước và ước ao quay lại ngày tháng đó.

(còn nữa)

Ngọc Lài
Bài đăng trên Báo giấy Đời sống & Pháp luật số 169 ngày 22/10/2019

Tin nổi bật