Mai Trần từng là một trong những ngôi sao hàng đầu của làng kịch miền Nam. Ông cùng Thương Tín, Minh Hoàng, Khánh Hoàng,... là lứa sinh viên đầu tiên của trường Sân khấu. Sự nghiệp lừng lẫy là vậy, nhưng cuộc đời của ông lại đầy những thăng trầm biến cố.
Nghệ sĩ Mai Trần. |
Sóng gió hôn nhân
Mai Trần tên thật là Mai Văn Thịnh, sinh năm 1954, từng là một trong những ngôi sao hàng đầu của làng kịch miền Nam trong thập niên 80 của thế kỷ trước. Sau khi tốt nghiệp lớp diễn viên trường Nghệ thuật Sân khấu 2, Mai Trần về làm việc tại sân khấu kịch Kim Cương và làm nên tên tuổi với loạt vai diễn như Lỗ Quý (Lôi Vũ), Hoàng Tú (Nhân danh công lý), Jourdan (Trưởng giả học làm sang), Ba thợ nhuộm (Hẻm nhỏ tình người)...
Đỉnh cao trong nghề, Mai Trần được nghệ sĩ Kim Cương mời về đoàn làm diễn viên kiêm thành viên hội đồng nghệ thuật chuyên thẩm định vở diễn và tuyển chọn diễn viên mới. Thời điểm đó, rất hiếm nghệ sĩ có 2 bằng chính quy như Mai Trần. Ít ai biết, ông là người thầy đầu tiên của ngôi sao quá cố Lê Công Tuấn Anh. Chính Mai Trần đã quyết liệt xin nghệ sĩ Kim Cương cho Tuấn Anh vào đoàn để kèm cặp, uốn nắn. Đây cũng là nền tảng để nam diễn viên nhanh chóng thăng tiến, trở thành ngôi sao sáng trong điện ảnh Việt Nam lúc bấy giờ.
Nghệ sĩ Mai Trần tài năng nhưng cuộc đời lại đầy bi kịch như phim ảnh. Hiện tại, ở tuổi xế chiều, ông vẫn chưa mua được nhà nhưng vẫn hạnh phúc bên người vợ thứ hai kém mình 20 tuổi cùng 2 con.
Sau 1975, biến cố xảy đến với Mai Trần khi bố mất, mẹ bệnh nặng, gia cảnh sa sút. Ông phải làm lụng vất vả, tranh thủ bán bắp từ sớm tinh mơ để sáng kịp đến trường. Tốt nghiệp vài năm, Mai Trần quay lại trường tiếp tục học đạo diễn. Tại đây, ông thành lập nhóm kịch riêng, đi tiên phong trong mảng tấu hài và nhanh chóng ăn khách. Mỗi đêm, nhóm của ông chạy show đến 5 - 6 sân khấu.
Những ngày tháng ngày khốn khó, ông từng làm rất nhiều nghề để xoay xở với cuộc sống. Bởi vốn dĩ nghề diễn không đem lại cuộc sống ấm no cho ông. Những năm 1990, sân khấu vắng khách, vai diễn thưa dần nhưng vì yêu nghề mà ông nhất quyết không bỏ, chỉ cố gắng kiếm thêm thu nhập bằng việc mở lò bánh mì tại nhà để kiếm sống. Hàng này, ông phải thức khuya, dậy sớm trực tiếp nặn bánh, đứng lò rồi đem giao khắp thành phố. Biết được hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ của ông nhiều diễn viên cùng thời như diễn viên Lê Công Tuấn Anh hay sang phụ ông làm và giao bánh những khi rảnh.
Khi lò bánh mỳ hoạt động được một thời gian, thì việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn vì nhiều người khác cũng mở lò. Biết không thể cạnh tranh nổi trong thời buổi ấy, ông quyết định chuyển qua đẩy xe bánh bao đi bán dạo ở TP. HCM. Dẫu biết cuộc sống của người nghệ sĩ là phải biết giữ hình ảnh cho chính mình, nhưng vì cuộc sống quá khó khăn nên ông vẫn quyết định mưu sinh bằng chính sức lao động của mình. Trong những tháng ngày khốn khó đó, ông nhận được nhiều tình cảm yêu thương của đồng nghiệp. Một trong số đó là họa sĩ Lê Văn Định. Đêm nào, họa sĩ cũng chạy qua mua của Mai Trần ba chiếc bánh. "Tôi hỏi anh Định ngày nào cũng ăn bánh bao không ngán sao, anh chỉ cười hiền rồi đi. Có lần tôi vô tình ghé nhà anh, thấy trên cửa sổ là những chiếc bánh bao đã cứng ngắc, teo tóp. Anh mua ủng hộ tôi trong khi bản thân anh và gia đình cũng chẳng khá giả gì". Cuộc sống của Mai Trần chỉ đỡ cơ cực hơn từ khi ông nhận được lời làm đạo diễn cho nhiều vở cải lương. Ông chạy đi, chạy lại giữa Sài Gòn và Kiên Giang để dựng vở giúp NSƯT Thanh Điền và Thanh Nam.
Giông bão cuộc đời
Trấn Thành đến thăm nghệ sĩ Mai Trần trước khi ông mổ. |
Trải qua biết bao thăng trầm của cuộc đời, khi cuộc sống vừa ổn định cũng là lúc nam diễn viên Mai Trần đối diện với sự cô đơn khi vợ chồng ông ly hôn. Nghệ sĩ Hải Yến (vợ ông) ra nước ngoài sinh sống. Mai Trần vừa làm cha, vừa làm mẹ của con và trở thành điểm tựa vững chắc đó là con cái và mẹ. Quãng thời gian này ông nuôi con bằng thù lao từ việc viết, sửa kịch bản và dựng vở cho sân khấu kịch Sài Gòn. Không có nhà, hai bố con ông phải ở nhà của mẹ.
Khó khăn là vậy nhưng cuộc đời chưa ngừng thử thách Mai Trần. Sau khi kết hôn lần hai, ông làm ăn thua lỗ, phải bán nhà, ăn nhờ ở đậu trên phim trường. Năm 1999, Mai Trần kết hôn với người vợ thứ hai và có thêm hai con, một trai, một gái. Sau khi mẹ mất, vợ chồng nam diễn viên bán căn nhà hương hỏa, dời về quận 2, TP.HCM. Thế rồi, căn nhà mới cũng đã phải bán đi do Mai Trần làm ăn thua lỗ. Cả gia đình đi ở thuê bằng thù lao đi diễn ít ỏi của nam diễn viên và đồng lương công nhân bưu điện của người vợ.
Cả nhà không đủ sống bằng đồng lương ít ỏi của ông nên Mai Trần đã đưa vợ con về ở nhờ bên ngoại còn mình lang thang theo các đoàn phim gần chục năm. Ông lấy phim trường làm nhà, ăn, ngủ, nghỉ hết đoàn này qua đoàn khác. Thi thoảng được nghỉ quay hoặc những ngày cuối tuần, ông mới về thăm vợ con. Những năm trở lại đây, cuộc sống của nam diễn viên ổn định hơn một chút. Ngôi nhà của gia đình ông được chắp nối bằng đủ thứ vật liệu, cất trên mảnh đất do một người anh cho mượn. Biết rằng cuộc sống đâu vốn hoàn hảo, nhưng đối với người nghệ sĩ nghèo như ông để có mái ấm như vậy là đủ.
Cuộc sống của ông không bằng phẳng từ kinh tế cho đến sức khỏe... vào mồng 3 Tết vừa rồi, nghệ sĩ Mai Trần bất ngờ bị tai biến, phải nhập viện Thủ Đức, TP.HCM. Tại đây, các bác sĩ cho biết nghệ sĩ Mai Trần bị tai biến mạch máu não ở bán cầu não trái, khiến ông nói ngọng nghịu. Dù bị tai biến nhẹ nhưng nghệ sĩ gạo cội thấy buồn vì bị lẹo lưỡi, nói chuyện khó khăn.
Mới đây, người hâm mộ lại không khỏi hoang mang, lo lắng trước thông tin nghệ sĩ Mai Trần bất ngờ nhập viện để điều trị bệnh. Theo đó, nam nghệ sĩ được chẩn đoán bị hẹp động mạch cảnh mức độ nặng, hẹp ba nhánh mạch vành rất nặng ở tim. Theo như chia sẻ của bác sĩ, sức khỏe của nam diễn viên hiện tại đã ổn, tiếp xúc tốt. Tuy nhiên, căn bệnh này vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và có thể trở nặng bất cứ lúc nào.
Biết được hoàn cảnh khó khăn của ông, MC Trấn Thành đã vào bệnh viện thăm và ủng hộ 20 triệu đồng. Nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp, người thân bạn bè cũng đã gửi tiền giúp đỡ ông chữa bệnh. Dù không phải ai cũng có đủ điều kiện về mặt vật chất để giúp đỡ nhau nhưng đôi khi chỉ một cử chỉ, một hành động nhỏ hay một lời hỏi thăm, động viên thôi cũng đủ để người hâm mộ cảm thấy ấm lòng.