Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghề chào hàng qua điện thoại trước nguy cơ bị “khai tử”

(DS&PL) -

Nghị định số 91 do Chính phủ vừa ban hành về “Chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác” từng gây bức xúc cho người dân suốt nhiều năm qua đã có hiệu lực.

Từ ngày 1/10, Nghị định số 91 do Chính phủ vừa ban hành - về “Chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác” từng gây bức xúc cho người dân suốt nhiều năm qua- chính thức có hiệu lực. Dư luận đặt ra câu hỏi: Nghề telesales (chào bán hàng qua điện thoại) sẽ đi về đâu?

Phạt nặng cuộc gọi rác

Theo quy định mới tại Nghị định 91/2020/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 14/8/2020, cuộc gọi rác bao gồm: “a) Gọi điện thoại quảng cáo mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng hoặc tin nhắn quảng cáo vi phạm các quy định về gửi tin nhắn quảng cáo tại Nghị định này; b) Gọi điện thoại vi phạm các nội dung bị cấm theo quy định tại Điều 9 luật Giao dịch điện tử, Điều 12 luật Công nghệ thông tin, Điều 12 luật Viễn thông, Điều 8 luật Quảng cáo, Điều 7 luật An toàn thông tin mạng, Điều 8 luật An ninh mạng” (Điều 5).

Ông Võ Đỗ Thắng - Giám Đốc trung tâm Đào tạo Quản trị mạng và An ninh mạng Quốc Tế Athena.

Những cuộc gọi này sẽ bị cắt chiều gọi đi đối với nội mạng và cắt chiều gọi đến đối với gọi liên mạng, có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 80 triệu đồng và thu hồi số điện thoại. Các nhà mạng phải thực hiện ngăn chặn cuộc gọi rác, nếu không cũng có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 170 triệu đồng và buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả khác.

Ủng hộ chủ trương của Nghị định này, anh Kiều Xuân Quang (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Dù không có nhu cầu về mua bán bất động sản hay bảo hiểm nhân thọ nhưng có những ngày tôi phải nhận đến hàng chục cuộc gọi tư vấn mua nhà, mua bảo hiểm gây ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của tôi. Tôi cũng không hiểu tại sao nhân viên quảng cáo lại có được thông tin cá nhân của mình. Tôi hy vọng rằng quy định mới này sẽ được các cơ quan quản lý thực hiện nghiêm để giảm thiểu những cuộc gọi rác tới người dân”.

Trong khi đó, dưới góc độ quản lý, ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc trung tâm Đào tạo Quản trị mạng và An ninh mạng quốc tế Athena lại có một băn khoăn cho nghề telesales. Trao đổi với PV tạp chí Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL) về vấn đề này, ông Thắng cho rằng, Nghị định lần này của Chính phủ về chống cuộc gọi rác sẽ là thử thách thực sự đối với những người làm nghề telesales và khuyến cáo, chúng ta cần có góc nhìn khách quan, toàn diện về vấn đề này. Bởi lẽ, cuộc gọi rác tuy phần lớn xuất phát từ telesale nhưng không phải nhân viên telesales nào cũng thực hiện cuộc gọi rác. Vì thế không thể đánh đồng hai khái niệm này với nhau.

Về bản chất, telesales phải thực hiện trên nguồn dữ liệu về tập khách hàng trải qua quá trình thu thập, khảo sát, phân loại đối tượng và xác định nhu cầu, tiềm năng,... Tuy nhiên thời gian gần đây, việc nhân viên lấy bất cứ danh sách khách hàng từ nguồn nào đó rồi cứ thế gọi đến mời mọc mà không cần biết khách hàng là ai, mức thu nhập, sở thích, nhu cầu ra sao khiến công việc này bị phản tác dụng.

Bàn luận về việc nghề telesales liệu có bị “khai tử” sau Nghị định 91 của Chính phủ, ông Thắng khẳng định telesales chỉ có thể bị ảnh hưởng chứ không bị xoá bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, ông Thắng cũng lo ngại nghề này sẽ phát sinh thêm nhiều biến tướng để “lách luật”.

Dân telesales chia sẻ cách “lách luật”

Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, anh Phạm Văn Nam - nhân viên tư vấn bất động sản - tỏ ra lo ngại về tương lai của công việc telesales của mình khi Nghị định 91 có hiệu lực.

Anh Nam chia sẻ: “Nhân viên telesales hiện đã gặp rất nhiều khó khăn do sự ra đời, phát triển của hàng loạt đơn vị mới được thành lập, việc Nghị định 91 của Chính phủ chính thức có hiệu lực sẽ khiến công việc này gặp thêm nhiều khó khăn, thách thức mới”.

Từ 1/10, Nghị định số 91 do Chính phủ ban hành về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác từng chính thức có hiệu lực.

Chia sẻ về các bí kíp để “đối phó” với trường hợp khách hàng phản ứng khi gọi điện tư vấn bán hàng, anh Nam cho biết, do đặc thù công việc, mỗi ngày anh phải gọi hàng chục, thậm chí hàng trăm cuộc gọi để chào bán sản phẩm. Vì vậy, việc khách hàng tỏ ra phiền toái, từ chối trao đổi là chuyện cơm bữa.

Lúc này, nhân viên tư vấn phải căn cứ vào tình hình thực tế để xử lý sao cho phù hợp. Trường hợp khách hàng quan tâm đến gói dịch vụ nhưng đang bận thì nhân viên tư vấn phải tranh thủ để đưa ra những ưu đãi tốt nhất trước khi hẹn lịch trao đổi lại. Đồng thời, nhân viên phải kiên trì và thử lại sau vài ngày hoặc vài tuần để tạo lòng tin với khách hàng. Còn trường hợp khách hàng kiên quyết từ chối thì nhân viên chỉ còn cách xin lỗi và tắt máy mà thôi.

Theo anh Nam, hiện đang có hai cách để nhân viên telesales liên lạc với khách hàng. Một là liên hệ qua ứng dụng riêng của công ty (nội dung đã được lập trình sẵn một số thông tin), hai là liên lạc qua số điện thoại cá nhân như bình thường.

“Theo quy định mới, nhân viên telesales chỉ được phép gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi được người sử dụng đồng ý trước và có cơ chế xử phạt đối với người vi phạm. Do đó, để vẫn có thể liên lạc được với số điện thoại trong danh sách từ chối nhận quảng cáo mà không bị xử phạt thì cách tốt nhất là sử dụng sim rác để trao đổi”, anh Nam nói.

Còn theo anh Nguyễn Văn Linh – nhân viên telesales bất động sản tại Hà Nội lại cho rằng việc quy định về chống cuộc gọi rác không ảnh hưởng nhiều tới công việc của mình, bởi anh cho biết chính khách hàng là người thường chủ động liên hệ trước để được tư vấn.

“Thay vì chủ động tìm kiếm, liên hệ tới khách hàng như một số nhân viên telesales khác, tôi thường chủ động đăng bài và tập trung tư vấn cho các khách hàng có nhu cầu thực sự. Việc này vừa giúp tôi tiết kiệm được thời gian, tiền bạc vừa bớt được những cuộc gọi kết thúc một cách cộc lốc, ngắn ngủi.

Còn tất nhiên, nhìn một cách tổng thể thì quy định lần này là thử thách thực sự đối với nhân viên trong nghề telesales, môi trường cạnh tranh vốn đã căng thẳng nay lại càng khốc liệt hơn”, anh Linh chia sẻ.

Theo Nghị định 91, người sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet, thư điện tử có thể từ chối mọi quảng cáo bằng việc đăng ký hoặc huỷ đăng ký thông qua cú pháp tin nhắn gửi về đầu số 5656 để có thể giám sát hoạt động gửi quảng cáo đúng luật và hạn chế tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Nếu chủ thuê bao đang cần thiết dịch vụ, sản phẩm nào đó và đã có sự đồng ý từ trước, khi được điện thoại chào mời sản phẩm, dịch vụ, cuộc gọi đó không phải là tin nhắn, cuộc gọi rác.

N.L

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật Thứ Năm (số 158)

Tin nổi bật