Tsagaan Sar, nghĩa đen là “Trăng trắng”, là ngày lễ truyền thống lớn nhất ở Mông Cổ được tổ chức từ thế kỷ XIII. Năm 1206, khi Thiết Mộc Chân thành lập Đại Đế quốc Mông Cổ và xưng là Hoàng đế Thành Cát Tư Hãn, ông đã tổ chức lễ Tsagaan Sar vào mùa xuân nhằm mục đích nâng cao hòa bình, lòng tốt và sự tôn trọng của người dân.
Người Mông Cổ thường ăn mừng ngày lễ này bằng cách mặc trang phục màu trắng, cưỡi ngựa trắng, ăn thực phẩm màu trắng làm từ các sản phẩm từ sữa và trao đổi những món quà trắng.
Trong những năm 1950 – 1960, Tsagaan Sar chỉ được tổ chức ở vùng nông thôn như Lễ hội Herder và bị cấm ở thành phố. Sau đó vào năm 1988, ngày lễ truyền thống quan trọng này bắt đầu được tổ chức như ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán trên toàn quốc.
Ngày nay, Tsagaan Sar trở thành một kỳ nghỉ dành cho các gia đình ở Mông Cổ, thể hiện sự tôn trọng đối với người già và khuyến khích những người trẻ tuổi tìm hiểu về truyền thống và văn hóa của họ. Ngoài ra, đây còn được coi là ngày lễ để cổ vũ những người chăn nuôi đã thành công vượt qua mùa đông khắc nghiệt và là ngày lễ chào đón những ngày ấm áp hơn của mùa xuân.
Các gia đình ở Mông Cổ thường đến thăm người lớn tuổi trong ngày lễ Tsagaan Sar.
Theo Discover Mongolia, Tsagaan Sar cho phép tất cả người dân Mông Cổ tự hào về di sản, văn hóa, truyền thống và phong tục quốc gia của họ. Tsagaan Sar tạo cơ hội để đoàn kết các gia đình và mọi người, củng cố mối quan hệ gia đình và cho phép mọi người tìm hiểu về gia phả của họ.
Thời gian chuẩn bị
Theo tâm niệm của người Mông Cổ, họ cần phải chào đón năm mới và ngày lễ Tsagaan Sar với một tâm trí tích cực và lạc quan, tránh những điều xấu và tiêu cực.
Nhà cửa, quần áo và cơ thể cũng phải được giữ sạch. Người Mông Cổ tin rằng nơi nào sạch sẽ thì may mắn sẽ đến. Về vấn đề này, có rất nhiều công việc chuẩn bị trước Tsagaan Sar.
Hình ảnh ghi lại quá trình làm món Buzz - một loại bánh bao trong ẩm thực Mông Cổ.
Ít nhất một tháng trước ngày lễ, tất cả các gia đình đều bận rộn với việc dọn dẹp nhà cửa, sân vườn, sửa chữa đồ đạc và thiết bị gia dụng bị hỏng, chuẩn bị sẵn trang phục truyền thống gọi là “Deel” và nấu những món ăn đặc biệt sẽ được phục vụ trong ngày lễ.
Đặc biệt là những gia đình có người lớn tuổi thì chuẩn bị một bàn tiệc thịnh soạn tượng trưng cho sự sung túc và đủ đầy trong năm mới, cũng như những món quà cho khách. Ngay cả công việc chuẩn bị cũng có sự tham gia và đoàn kết của tất cả các thành viên trong gia đình, họ hàng và hàng xóm.
Lễ Tsagaan Sar được tổ chức thế nào?
Vào đêm trước lễ Tsagaan Sar được gọi là Bituun, các gia đình quây quần bên cha mẹ hoặc ông bà, thực hiện một số nghi lễ đặc biệt và cùng nhau ăn uống. Mọi người bắt đầu ăn một món ăn màu trắng đặc biệt gọi là ''Tsagaalga" được làm từ các sản phẩm từ sữa và gạo.
Vào ngày đầu tiên của Tsagaan Sar, mọi người phải thức dậy trước khi mặt trời mọc và mặc quần áo mới hoặc quần áo sạch. Sau đó, đàn ông leo lên ngọn đồi hoặc núi gần nhất để ngắm bình minh đầu tiên của năm mới trong khi phụ nữ pha trà sữa tại nhà và dâng lên trời đất, cầu chúc những điều tốt đẹp nhất đến với gia đình họ. Sau đó, họ đến thăm cha mẹ, ông bà hoặc họ hàng lớn tuổi.
Kỳ nghỉ Tsagaan Sar chính thức kéo dài 3 ngày. Khi mọi người kết thúc việc đến thăm cha mẹ, ông bà và họ hàng lớn tuổi, họ đến thăm hàng xóm và nhà của những người lớn tuổi khác mà họ quen biết.
Hơn nữa, có một số nghi lễ chủ yếu liên quan đến Phật giáo. Nhiều người tìm đến chùa, thiền viện để nghe những lời cầu nguyện và tụng kinh cầu an lành cho năm mới.
Bích Thảo (Theo Discover Mongolia)