Tiền Phong dẫn lời Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Andrey Nastasyin hôm thứ Tư (31/7) cho biết: "Ngày 24/7, tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rheinmetall của Đức đã được Kiev phê duyệt xây dựng một nhà máy sản xuất đạn dược tại Ukraine. Về vấn đề này, chúng tôi xin nhắc lại rằng, bất kỳ nhà máy quân sự nào đặt trên lãnh thổ Ukraine đều là mục tiêu tấn công của lực lượng vũ trang Nga".
Ông Andrey Nastasyin lưu ý rằng, nhà máy quân sự của Đức tại Ukraine có giá trị lên tới 100 triệu euro.
Kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, Đức là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Ukraine, sau Mỹ. Tính đến nay, ngoài việc phân bổ kinh phí hỗ trợ quân sự Kiev, Đức còn cam kết cung cấp khoảng 28 tỷ euro (khoảng 30 tỷ USD) viện trợ cho Ukraine trong tương lai.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Andrey Nastasyin. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga
"Khác với đầu tư vào phát triển và phục hồi (Ukraine), quân đội phương Tây không ngại chi tiền cho sản xuất vũ khí. Kiếm tiền từ chiến sự luôn luôn và vẫn là truyền thống của phương Tây", ông Andrey Nastasyin cáo buộc.
Tuần trước, Rheinmetall thông báo đã nhận được lệnh từ chính phủ Ukraine để xây dựng, trang bị, cũng như đưa vào vận hành một nhà máy đạn dược.
Nhà máy này sẽ bắt đầu sản xuất đạn tại Ukraine trong vòng 24 tháng. Cùng với Ukraine Defense Industry (UDI), đối tác liên doanh của Ukraine, Rheinmetall cũng sẽ chịu trách nhiệm vận hành nhà máy, công ty cho biết thêm.
Trước đó, UDI và Rheinmetall đã mở xưởng sản xuất, sửa chữa xe bọc thép chung đầu tiên tại Ukraine vào ngày 10/6. Theo thỏa thuận, phía doanh nghiệp Đức sẽ nắm giữ 51% cổ phần và có quyền quản lý. Sự hợp tác sẽ tập trung vào việc bảo dưỡng và sửa chữa xe bọc thép tại Ukraine, trong khi 2 bên cũng chuẩn bị cho việc chế tạo xe tăng.
Đây được xem là nỗ lực của phương Tây và Ukraine nhằm giải tỏa "cơn khát" vũ khí của Kiev trên chiến trường. Trong khi Nga sở hữu năng lực sản xuất quốc phòng tương đối mạnh mẽ, Ukraine phụ thuộc nhiều vào phương Tây. Việc nhà thầu quốc phòng lớn như Rheinmetall mở nhà máy ở Ukraine sẽ rút ngắn quá trình sản xuất và chuyển vũ khí ra tiền tuyến, giúp Kiev đối phó với Moscow trong cuộc chiến tiêu hao, theo Dân Trí.