Báo Tuổi trẻ đưa tin, trả lời câu hỏi phỏng vấn của hãng tin RIA Novosti, đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya cho hay nước này đã lên kế hoạch cho 3 sự kiện quan trọng trong thời gian giữ vị trí chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Theo đó, các chủ đề tranh luận chính bao gồm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Trung Đông, hợp tác đa phương nhằm xây dựng trật tự thế giới công bằng, dân chủ, bền vững hơn và nêu ra "phương trình an ninh" toàn cầu mới.
Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, Nga cũng chú trọng đến quan hệ hợp tác giữa Liên Hợp Quốc với các tổ chức khu vực, điển hình là Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Cụ thể, cuộc thảo luận về "phương trình an ninh" toàn cầu mới dự kiến tổ chức vào ngày 16/7 tới đây.
Theo báo Tin tức, cuộc tranh luận mở về chủ đề giải quyết tình hình Trung Đông dự kiến diễn ra vào ngày 17/7. Cả hai cuộc họp vào ngày 16 và 17/7 dự kiến đều sẽ do Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chủ trì.
Vào ngày 19/7, một trong ba sự kiện quan trọng khác trong tháng Chủ tịch của Nga dự kiến là cuộc tranh luận tại Hội đồng Bảo an về hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực, cụ thể là Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Quan hệ giữa Mỹ và Nga tiếp tục căng thẳng sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022. Mỹ đã cấm nhập cảnh đối với hàng trăm công dân Nga, trong đó có Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Hiện chưa rõ Washington có cấp thị thực cho ông Lavrov và phái đoàn Nga hay không.
Trong lần gần nhất khi Nga đảm nhận vị trí chủ tịch vào tháng 4/2023, Washington đã không cấp thị thực cho các nhà báo Nga đi cùng phái đoàn của ông Lavrov, bất chấp việc Moscow tuân thủ đầy đủ các thủ tục.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là một trong sáu cơ quan chính của Liên Hợp Quốc, có trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh thế giới. Hội đồng Bảo an có quyền lực đặc biệt trong việc đưa ra các nghị quyết bắt buộc mà tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc phải tuân theo. Mỗi tháng, vai trò chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ do 15 quốc gia thành viên của cơ quan này luân phiên đảm nhận.