Hãng tin Reuters mới đây dẫn nguồn tin cho biết, Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) đang gây áp lực lên các nhân viên ở các bộ của chính phủ không được rời khỏi Nga, thậm chí là đến thăm những quốc gia được coi là “thân thiện” và chưa áp dụng lệnh trừng phạt đối với nước này.
“Bạn không thể đi bất cứ đâu, kể cả đến Uzbekistan hay Belarus trong kỳ nghỉ tháng 5. Bạn chỉ có thể đi nếu được phép”, một nguồn tin chia sẻ. Người này cho biết thêm rằng, dưới áp lực của FSB, chính phủ đang cấm nhân viên từ nhiều bộ phận khác nhau đi du lịch bất cứ đâu mà không có sự cho phép đặc biệt.
Cơ quan An ninh Liên bang Nga lo ngại rằng các quan chức nước này có thể bị mắc bẫy khi đang ở nước ngoài và buộc phải tiết lộ bí mật nhà nước. Một mối lo ngại khác là họ có thể bị giam giữ và dẫn độ sang các nước phương Tây trong khi quan hệ giữa hai bên đang tục xấu đi.
Nga thắt chặt quy định xuất ngoại với các quan chức vì lo ngại rò rỉ bí mật quốc gia. Ảnh: Getty Images
Việc hạn chế xuất ngoại với những người có quyền truy cập vào một số thông tin bí mật đã được áp dụng ở Nga từ thời Xô Viết và ngay cả trước khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Các cường quốc phương Tây cũng có những quy tắc xuất ngoại hạn chặt chẽ đối với những người có thể tiếp cận các thông tin mật cấp cao nhất.
Tuy nhiên, các hạn chế hiện tại của Nga có phần hỗn loạn, với các quy định khác nhau giữa các cơ quan nhà nước. Những quan chức trong chính phủ Nga đã bị cấm đi lại một cách không chính thức vào năm 2022 và biện pháp này chính thức áp dụng vào giữa năm 2023. Giờ đây, những hạn chế tương tự đã được áp dụng đối với những người nắm giữ bí mật nhà nước ở các bộ.
Các quy định xuất ngoại đối với những người này sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ an ninh. Càng tiếp cận với nhiều thông tin mật, họ sẽ càng có ít cơ hội được cho phép xuất ngoại. Trong khi đó, định nghĩa về "bí mật quốc gia" ở Nga thậm chí còn được mở rộng hơn nữa kể từ xung đột với Ukraine nổ ra.
Bí mật quốc gia tại Nga được quy định bao gồm bất cứ thứ gì có thể gây thiệt hại cho nhà nước và không chỉ dừng lại ở tình báo quân sự, hạt nhân hoặc an ninh mà còn là lưu trữ dữ liệu, sản xuất và tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, dữ liệu xuất khẩu, một số chính sách kinh tế, một số phát hiện khoa học và bất kỳ chi tiết nào về cách bảo mật thông tin.
Nga từ lâu cũng đã cảnh báo rằng công dân của họ, đặc biệt là các nhà ngoại giao và quan chức đã bị cơ quan an ninh các quốc gia khác theo dõi khi họ tới phương Tây. Trái lại, một nguồn tin ngoại giao phương Tây nói với Reuters rằng các nhà ngoại giao phương Tây cũng phải đối mặt với những nguy cơ tương tự khi ở Nga.
P.U (Theo Kyiv Independent và Reuters)