Theo hãng tin RT, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, đây là thông điệp mà ông đã nói với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khi hai người gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh các bộ trưởng ngoại giao G7 được tổ chức hôm 18/4 tại đảo Capri của Italy.
Tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất gói viện trợ mới trị giá 61 tỷ USD dành cho Ukraine và đã được Thượng viện thông qua. Trong khi đó, Hạ viện Mỹ có kể hoạch tổ chức bỏ phiếu về một loạt dự luật viện trợ nước ngoài vào ngày 20/4 tới.
Nếu được thông qua, ngoài khoản viện trợ 61 tỷ đã được đề xuất, dự luật này cũng sẽ bao gồm một điều khoản về việc chính quyền ông Biden chuyển tên lửa ATACMS tầm xa cho Ukraine “càng sớm càng tốt”.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Ảnh: ABC News
Ông Kuleba từ chối dự đoán về kết quả của cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ. Tuy nhiên, ông nhắc lại rằng đối với Ukraine, không có lựa chọn nào khác ngoài sự hỗ trợ quân sự của Mỹ, vốn đã lên tới hơn 111 tỷ USD kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra vào tháng 2/2022.
“Tôi luôn nói rằng chúng tôi không cần Kế hoạch B vì Kế hoạch A của chúng tôi đang đưa ra những quyết định mạnh mẽ nhất có thể cho Ukraine chứ không phải những quyết định nửa vời. Và hôm nay tôi đã nhắc nhở ngoại trưởng Mỹ về điều này. Kế hoạch A phải thực hiện được thông qua một dự luật mạnh mẽ”, ông Kuleba nói.
Ngoại trưởng Ukraine đồng thời tuyên bố thêm rằng người đồng cấp Blinken đã thể hiện sự ủng hộ với quan điểm này và cho rằng tất cả nên tập trung hoàn toàn vào các quyết định mạnh mẽ cho Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng sự sụt giảm viện trợ quân sự của Mỹ và phương Tây là nguyên nhân dẫn đến những tiến bộ quân sự gần của Nga, đồng thời thừa nhận rằng các lực lượng đối phương đang tiếp tục tiến lên và gây áp lực cho quân đội Ukraine trên toàn bộ chiến tuyến.
Nga cũng đang có thế mạnh ở hầu hết mọi mặt bao gồm pháo binh, thiết bị và khả năng hoạt động trên không. Vì vậy, ông Zelensky yêu cầu các quốc gia ủng hộ Ukraine cung cấp “mọi thứ giúp giữ vững tiền tuyến” bao gồm đạn pháo, xe quân sự và máy bay không người lái.
Kể từ khi xung đột giữu hai bên nổ ra, phía Nga luôn cảnh báo rằng việc Mỹ và các đồng minh phương Tây liên tục rót viện trợ quân sự cũng như tài chính đến Ukraine cho thấy họ đã trở thành một bên trong xung đột. Song, Moscow cũng nhấn mạnh điều này sẽ không thể làm thay đổi cục diện chiến sự mà ngược lại sẽ khiến căng thẳng thêm leo thang.
P.U (Theo RT)