Truyền thông Nga đưa tin, ông Dmitry Peskov - phát ngôn viên Điện Kremlin mới đây tuyên bố rằng Nga "cởi mở" với các cuộc đàm phán về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine. Song, Moscow không tin tưởng Kiev và cho đến nay cũng không có kế hoạch tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ 2 của đối phương.
Ông Peskov nhắc lại rằng Tổng thống Vladimir Putin đã "nhiều lần tuyên bố" rằng Nga sẵn sàng đàm phán về việc chấm dứt chiến sự ở Ukraine. Ông cũng bày tỏ sự sẵn sàng "thảo luận" với chính quyền Ukraine nhưng Điện Kremlin cho rằng họ "không đáng tin cậy".
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga không có kế hoạch tham dự Hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần 2 của Ukraine. Ảnh: BBC
Giới chức Nga đồng thời nhận thấy rằng các cuộc thảo luận về khả năng đàm phán hiện không có thông tin chi tiết cụ thể. Trước đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố hầu hết các quốc gia trên thế giới đều muốn Nga tham gia Hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ 2, do đó Ukraine không thể phản đối sáng kiến này.
Ukraine hiện đang trong quá trình vạch ra một kế hoạch để đạt được hòa bình vào tháng 11 năm nay. Ông Zelensky tiết lộ rằng trọng tâm kế hoạch hòa bình của Ukraine sẽ là vấn đề toàn vẹn lãnh thổ và chủ đề này sẽ được thảo luận với các quốc gia liên quan.
Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg cho hay, Hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ 2 của Ukraine sẽ được tổ chức tại một quốc gia thuộc Nam bán cầu, có thể là ở Trung Đông.
Ông Yermak cũng đồng tình với quan điểm của Tổng thống Zelensky rằng kỳ vọng quan trọng nhất đối với hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 là đưa ra các điều kiện tiên quyết chính để chấm dứt các hành động thù địch. "Chúng ta cần chấm dứt cuộc chiến này càng sớm càng tốt để có được nền hòa bình công bằng", ông nói thêm.
Mặc dù địa điểm cụ thể cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần này vẫn chưa được công bố, nhưng bình luận của ông Yermak đã đánh dấu lần đầu tiên Ukraine công khai chỉ ra nơi họ hy vọng sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình tiếp theo.
Trong khi đó, Nga vẫn giữ nguyên quan điểm về các điều kiện để đàm phán hòa bình ở Ukraine diễn ra bao gồm: Ukraine rút hết quân khỏi các khu vực mới sáp nhập vào Nga, từ bỏ tham vọng gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thực hiện phi quân sự hóa, áp dụng quy chế trung lập, phi hạt nhân và phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Nga.
Theo Kyiv Independent và Pravda