Newsweek dẫn lời nguồn tin từ Siren trên Telegram cho biết, thị trấn Kotovo thuộc vùng Novgorod của Nga đang được sơ tán. "Ban quản lý khu dân cư nông thôn Kotovsky nói với các nhà báo rằng cư dân Kotovo đã được sơ tán. Họ đã được 'đưa đến nơi an toàn'. Chính quyền không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào khác"", nguồn tin chia sẻ.
Cũng theo nguồn tin, Bộ Quốc phòng Nga trước đó cho hay 20 máy bay không người lái (UAV) đã bị bắn hạ trên lãnh thổ vùng Novgorod trong đêm. Thống đốc vùng Novgorod Andrei Nikitin đã thông tin về việc phá hủy một số UAV.
Được biết, cuộc không kích của Ukraine diễn ra sau khi Kiev được chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ viện trợ trong thời gian còn lại ở Nhà Trắng (mới nhất là gói 275 triệu USD). Đáng chú ý, rộ tin Mỹ “bật đèn xanh” cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do nước này cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Tên lửa ATACMS có tầm bắn lên đến hơn 300 km. Ảnh: Newsweek
Các chính trị gia Nga coi việc sử dụng tên lửa tầm xa là hành động leo thang xung đột. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng việc cung cấp các tên lửa tầm xa này là tín hiệu cho thấy phương Tây đang tham gia nhiều hơn vào cuộc xung đột, theo thông tin trên báo Nhà Báo & Công Luận.
Trong khi đó, theo Nghị sĩ Duma Quốc gia Nga Andrei Gurulyov, nếu Mỹ tiếp tục cung cấp những tên lửa này thì “về cơ bản sẽ không còn gì của nước Mỹ, nước đang cố gắng kéo chúng ta vào cuộc leo thang. Sẽ không có ông Biden hay ông Trump. Nước Mỹ đang phải chịu 95% thiệt hại tổng thể".
Các chuyên gia đều cho rằng động thái này của chính quyền ông Biden nhằm mục đích giúp Ukraine không bị áp đảo trên chiến trường và trên bàn đàm phán trong thời gian từ giờ đến lúc Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1/2025.
Hiện tại, truyền thông nhà nước Nga đang bày tỏ hy vọng rằng chính quyền sắp tới của ông Trump sẽ chấm dứt việc chuyển giao tên lửa tầm xa cho Ukraine.
Reuters dẫn 5 nguồn thạo tin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine với ông Donald Trump nhưng loại trừ khả năng đưa ra bất kỳ nhượng bộ lãnh nhượng bộ lãnh thổ lớn nào, đồng thời kiên quyết yêu cầu Kiev từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong cuộc họp báo ngày 20/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Tổng thống Nga đã nhiều lần nhấn mạnh sẵn sàng đàm phán về Ukraine. Bên cạnh đó, ông Peskov đề cập đến việc chính quyền Kiev đã cấm điều này.
Tổng thống Putin cũng từng nói, Nga sẵn sàng đạt được mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao, theo thông tin trên báo Tin Tức.
Trong cuộc điện đàm kéo dài 1 tiếng với Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào ngày 15/11, nhà lãnh đạo Nga cũng tái khẳng định Moscow sẵn sàng đàm phán để giải quyết xung đột ở Ukraine, dựa trên các đề xuất đã được Bộ Ngoại giao Nga công bố vào tháng 6.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Hồi tháng 6, Tổng thống Putin đã họp với ban lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nga, trong đó ông nêu bật những điều kiện để đàm phán với Ukraine. Các điều kiện này bao gồm quân đội Ukraine rút khỏi Donetsk và Lugansk, các vùng Zaporizia, Kherson.
Ngoài ra còn có cam kết của Ukraine về việc áp dụng quy chế không liên kết, phi phát xít hóa và phi quân sự hóa đất nước, dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng tất cả điều kiện này phải được ghi nhận trong các thỏa thuận quốc tế cơ bản.
Trong chiến dịch tái tranh cử, ông Trump từng cam kết rằng sẽ sớm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine ngay sau khi nhậm chức. Dù ông Trump không nói rõ bằng cách thức như thế nào nhưng giới phân tích đều nhận định rằng ông sẽ cắt viện trợ cho Ukraine (như đã nhiều lần phát biểu), buộc Kiev phải ngồi vào bàn đàm phán với Moscow.
"Ông ấy là người duy nhất có thể đưa cả hai bên lại gần nhau để đàm phán hòa bình, hướng tới mục tiêu chấm dứt xung đột và ngăn chặn thương vong", ông Steven Cheung - Giám đốc truyền thông của ông Trump bày tỏ.