Báo Dân Trí dẫn thông tin từ Reuters cho hay ngày 7/11, Nga đã chính thức rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) - thỏa thuận ra đời nhằm giảm leo tháng xung đột tiềm tàng giữa Nga và phương Tây.
"Vào lúc 0h ngày 7/11, thủ tục liên quan tới việc Nga rút khỏi CFE đã hoàn tất. Vì vậy, văn bản pháp lý quốc tế mà Nga đã đình chỉ hiệu lực vào năm 2007, cuối cùng đã trở thành lịch sử đối với chúng tôi", Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố.
Việc Moscow rút khỏi Hiệp ước CFE sau 33 năm tham gia được xem là bước thay đổi quan trọng giúp quân đội Nga không còn bị ràng buộc bởi điều khoản của hiệp ước.
Nga đã chính thức rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE). Ảnh minh họa: Sputnik/Reuters
Hiệp ước CFE được ký kết tại Paris (Pháp) vào năm 1990 giữa đại diện của 16 quốc gia NATO và 6 nước thành viên Hiệp ước Warsaw. Văn bản này đưa ra các giới hạn đối với các loại thiết bị quân sự thông thường ở châu Âu và quy định việc tiêu hủy các kho vũ khí dư thừa.
Tới năm 1999, hiệp ước được mở rộng ở hội nghị của Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE) diễn ra ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Tuy nhiên, bản cập nhật này chỉ được Nga, Belarus, Kazakhstan và Ukraine thông qua.
Vào năm 2007, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký một sắc lệnh tạm ngừng sự tham gia của Nga trong hiệp ước này cho đến khi các nước NATO phê chuẩn hiệp ước mở rộng và bắt đầu thực hiện các nghĩa vụ của họ.
Ngày 29/5, nhà lãnh đạo Nga ký sắc lệnh rút khỏi CFE và cáo buộc NATO "phá hoại an ninh châu Âu - Đại Tây Dương". Thời điểm đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Trong bối cảnh hiện tại, Nga không cần bất cứ hiệp ước an ninh nào bởi trên thực tế chúng không hề hoạt động. Đây không phải lỗi của Nga".
VTC News dẫn thông tin từ Reuters cho biết, theo Bộ Ngoại giao Nga, hiệp ước CFE được ký kết vào cuối Chiến tranh Lạnh, khi việc hình thành một cấu trúc mới về an ninh toàn cầu và châu Âu dựa trên sự hợp tác dường như có thể thực hiện được và những nỗ lực thích hợp đã được thực hiện.
Thế nhưng, việc Mỹ thúc đẩy mở rộng NATO đã khiến các nước liên minh "công khai phá vỡ" các hạn chế của nhóm trong hiệp ước, đỉnh điểm là Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO.
XEM THÊM: Chiến sự Israel - Hamas ảnh hưởng ra sao tới chiến dịch tái tranh cử của ông Biden?
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã dẫn đến khủng hoảng tồi tệ nhất trong quan hệ của Moscow với phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cuối tuần qua, ông Dmitry Peskov cho biết quan hệ với Mỹ đang ở mức dưới 0.
Sau khi Nga tuyên bố ý định rút khỏi hiệp ước trong năm 2023, NATO đã lên án quyết định này và cho rằng nó làm suy yếu an ninh châu Âu - Đại Tây Dương.
“Nga trong nhiều năm đã không tuân thủ các nghĩa vụ CFE của mình. Cuộc chiến ở Ukraine của Nga và sự đồng lõa của Belarus là trái với các mục tiêu của Hiệp ước CFE", NATO bày tỏ.
Đinh Kim (T/h)