RT đưa tin, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng Moscow sẽ coi bất kỳ mối đe dọa nào liên quan tới việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine chính là sự chuẩn bị cho một cuộc xung đột trực tiếp với Nga.
Ông Medvedev khẳng định việc chuyển giao vũ khí hạt nhân thực sự sẽ tương đương với một cuộc tấn công vào Moscow theo học thuyết hạt nhân mới của Nga.
Trong bài đăng trên Telegram, ông Medvedev đã trích dẫn một báo cáo gần đây trên tờ New York Times. Trong báo cáo đề cập tới việc các quan chức Mỹ và EU đang "thảo luận về việc răn đe như một sự đảm bảo an ninh" cho Ukraine, theo đó xem xét việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine.
"Các chính trị gia và nhà báo Mỹ đang thảo luận nghiêm túc về hậu quả của việc chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine", ông Medvedev cho biết.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: RT
Ông Medvedev khẳng định mối đe dọa chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine có thể được coi là sự chuẩn bị cho một cuộc chiến hạt nhân chống lại Nga.
Theo vị quan chức Nga, ý tưởng về việc "cung cấp vũ khí nguyên tử cho một quốc gia đang trong cuộc chiến với cường quốc hạt nhân lớn nhất" là điều rất vô lý.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho rằng, ý tưởng đưa vũ khí hạt nhân tới Ukraine như biện pháp răn đe là rất cực đoan.
"Ngay cả những chính sách khiêu khích nhất nhằm leo thang căng thẳng cũng có khía cạnh cực đoan. Vì vậy, có lẽ, quan điểm này thuộc về phe cực đoan này", ông nhấn mạnh.
Ông Peskov cho rằng đây là một ý tưởng hoàn toàn vô trách nhiệm từ những người không nắm bắt được thực tế. Vị quan chức cũng chỉ ra rằng những đề xuất như vậy đang được nêu ra một cách ẩn danh.
Như đã đưa tin, hôm 17/11, rộ tin chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Washington cung cấp để tập kích lãnh thổ Nga, song Nhà Trắng khi đó không thừa nhận.
Sau đó hai ngày, Ukraine phóng 6 tên lửa đạn đạo ATACMS vào tỉnh Bryansk của Nga, gây cháy một kho đạn.
Ngày 19/11, chỉ vài tiếng sau khi Ukraine tập kích Nga bằng tên lửa ATACMS, Tổng thống Vladimir Putin đã phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga, cho phép hạ ngưỡng răn đe hạt nhân để đáp trả một loạt cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường nhắm vào Nga hoặc đồng minh của Moscow.
Tên lửa tầm xa ATACMS. Ảnh minh họa
Hôm 21/11, Kiev tiếp tục khai hỏa loạt tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh viện trợ và đạn HIMARS vào các cơ sở quân sự tại tỉnh Bryansk và Kursk, trong đó có một sở chỉ huy của cánh quân Bắc.
Ngày 25/11, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã đánh chặn 8 tên lửa đạn đạo của Ukraine, nhưng không đề cập chủng loại hay vị trí chúng bị bắn hạ. Truyền thông Ukraine nhận định đây có thể là tên lửa ATACMS.
Hồi tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa sẽ thay đổi bản chất xung đột và khiến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở thành bên liên quan trực tiếp. Moscow sẽ đáp trả bằng các biệp pháp tương xứng.