Theo The Paper, một số người dùng mạng Trung Quốc cho biết họ đã thấy Douyu (nền tảng livestream lớn nhất Trung Quốc) đăng đoạn quảng cáo của hãng thời trang H&M vào sáng sớm 2/10.
Ngay sau đó, cụm từ khóa "Douyu quảng cáo H&M trong dịp Quốc khánh" đã trở thành "hot search" trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc với hơn 200 triệu lượt tìm kiếm. Được biết, từ ngày 1/10 - 7/10 hàng năm được xem là sự kiện "Tuần lễ vàng" mừng kỷ niệm ngày Quốc khánh của xứ tỷ dân.
Hình ảnh quảng cáo của H&M trên Douyu. Ảnh: Baidu
Hôm 10/10 Douyu đã phản hồi về vụ việc thông qua Weibo chính thức của mình.
"Sau khi phát hiện ra vấn đề, nền tảng (Douyu) đã gõ bỏ quảng cáo có liên quan ngay lập tức và ban lãnh đạo của công ty đã tổ chức cuộc họp với các bộ phận liên quan để tiến hành kiểm điểm sâu sắc. Chúng tôi thành thật xin lỗi vì sự xuất hiện gần đây của quảng cáo thương hiệu H&M trên nền tảng Douyu", bài đăng cho hay.
Khó càng thêm khó
Động thái trên của Douyu khiến cư dân mạng Trung Quốc khó hiểu và phẫn nộ vì cho rằng sự việc "bông Tân Cương" vẫn chưa kết thúc.
Tháng 3/2021, H&M đã phải đối mặt với làn sóng tẩy chay dữ dỗi tại Trung Quốc, sau tuyên bố của hãng thời trang về việc "không dùng bông Tân Cương" do "quan ngại sâu sắc về các báo cáo từ những tổ chức xã hội dân sự và truyền thông liên quan đến cáo buộc lao động cưỡng bức và phân biệt đối xử người dân tộc thiểu số".
Sau nhiều lần bị "lên án", các nền tảng thương mại điện tử lớn đã xóa bỏ các sản phẩm của H&M, ngay cả những ứng dụng bản đồ như Baidu Maps và AutoNavi Maps cũng không tìm thấy định vị nào của các chuỗi cửa hàng liên quan đến thương hiệu này.
Phía H&M sau đó đã lên tiếng để "lấy lại niềm tin" với Trung Quốc khi nói rằng tuyên bố trước đó của hãng "không đề cập trực tiếp đến bông Tân Cương" và khẳng định "luôn duy trì các nguyên tắc công khai và minh bạch trong quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu để đảm bảo các nhà cung cấp trên thế giới tuân thủ cam kết, nhằm phát triển bền vững".
H&M khi đó phủ nhận mọi "yếu tố chính trị" và nhấn mạnh "mua bông bền vững hơn thông qua một bên thứ ba được chứng nhận trên toàn cầu".
Tuy nhiên, động thái của H&M không xoa dịp được sự phẫn nỗ của người dùng Trung Quốc.
H&M gần như biến mất khỏi các nền tảng trực tuyến ở Trung Quốc.
The Paper cho biết, đến nay, trên các nền tảng mua sắm trực tuyến lớn như Taobao, JD.com,... vẫn không có thông tin liên quan khi tìm kiếm H&M. Baidu Maps cũng không hiển thị định vị các chuỗi cửa hàng liên quan.
Đáng nói, sự kiện quảng cáo trên Douyu không những chẳng mang lại hiệu quả, mà một lần nữa khiến H&M "biến mất" khỏi tầm mắt người dùng Trung Quốc.
Từ khía cạnh hiệu suất, Trung Quốc không còn là thị trường hàng đầu của H&M.
Theo báo cáo tài chính quý 3 của H&M, Trung Quốc đã rơi khỏi danh sách 10 thị trường hàng đầu của H&M, với doanh thu giảm mạnh ít nhất khoảng 40%. Hồi quý 3 năm 2020, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn thứ 4 của H&M.
Helena Helmersson, Giám đốc điều hành tập đoàn H&M, thừa nhận: "Nhắc đến thị trường Trung Quốc, H&M vẫn đang ở trong tình thế rất phức tạp".
Hoa Vũ (Theo The Paper)