Theo Reuters, các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ nhóm họp tại Vilnius (Litva) trong hai ngày 11-12/7 để giải quyết một loạt vấn đề, từ sự chia rẽ về tư cách thành viên của Ukraine, việc Thụy Điển gia nhập khối liên minh quân sự, đến các kế hoạch phòng thủ đầu tiên trong nhiều thập kỷ.
Đây là Hội nghị thượng đỉnh thứ tư của NATO kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Được biết, Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 25/2/2022, sau đó là hai lần nhóm họp tại Brussels (Bỉ) và Madrid (Tây Ban Nha).
Các biện pháp an ninh tại thủ đô của Litva sẽ được thắt chặt, với lần đầu tiên trong Hội nghị thượng đỉnh của NATO có 3 đơn vị phòng không Patriot của Đức được triển khai để bảo vệ địa điểm tổ chức. Các máy bay chiến đấu bổ sung cũng sẽ tuần tra trên bầu trời Litva.
Reuters nêu một số vấn đề chính dự kiến được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius:
Tư cách thành viên của Ukraine
Hội nghị thượng đỉnh sắp tới được cho là sẽ bị chi phối bởi cách NATO xác định mối quan hệ trong tương lai với Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng nói rõ rằng, Ukraine sẽ không trở thành thành viên của khối liên minh quân sự này khi cuộc xung đột với Nga chưa kết thúc. Đồng thời, Hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius cũng sẽ không đưa ra lời mời chính thức với Kiev.
Các thành viên NATO hiện vẫn chưa thống nhất quan điểm về việc Ukraine nên được kết nạp ra sao sau khi kết thúc xung đột. Các nước Đông Âu cho rằng một lộ trình gia nhập nên được đưa ra cho Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh. Trong khi đó, Mỹ và Đức cảnh giác với bất cứ động thái nào có thể đưa NATO tiến gần hơn đến xung đột với Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy. Ảnh: Reuters
Trước thềm hội nghị, nhiều nước đã ủng hộ đề xuất của Anh cho phép Kiev bỏ qua chương trình Kế hoạch Hành động Thành viên (MAP). Chương trình này đặt ra các mục tiêu chính trị, kinh tế và quân sự mà các ứng cử viên phải đáp ứng trước khi gia nhập NATO.
Với động thái này, NATO có thể giải quyết các yêu cầu nằm ngoài tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008. Theo đó, Ukraine cuối cùng sẽ trờ thành thành viên NATO mà khối liên minh quân sự này không cần đưa ra lời mời hoặc thời gian biểu thực sự cho Kiev.
Các nhà lãnh đạo có thể nhất trí về điều gì đó, chẳng hạn như “vị trí hợp pháp của Ukraine là trong NATO” - điều ông Stoltenberg đề cập trong chuyến thăm Kiev vào tháng 4, hoặc nhấn mạnh rằng “an ninh xuyên Đại Tây Dương sẽ không hoàn thiện nếu không có Ukraine”.
Bên cạnh việc gia nhập NATO, các nhà lãnh đạo được kỳ vọng sẽ thảo luận về các đảm bảo an ninh mà Ukraine nhận được trong thời gian sau xung đột, có thể bao gồm cam kết tiếp tục viện trợ tài chính và quân sự cho Kiev nhằm ngăn chặn một chiến dịch quân sự mới sau khi xung đột hiện tại kết thúc. Tuy nhiên, các cam kết sẽ dựa trên cơ sở song phương và không phải do NATO đưa ra.
Tăng cường sườn phía Đông NATO
Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, các nhà lãnh đạo cũng sẽ xem xét các kế hoạch phòng thủ đầu tiên mà NATO vạch ra kể từ sau chiến tranh lạnh, nêu chi tiết cách liên minh phản ứng trước một cuộc tấn công của Nga.
Sự hồi sinh của kế hoạch khu vực thể hiện một sự thay đổi cơ bản. Với các kế hoạch này, NATO cũng cung cấp cho các quốc gia về cách nâng cấp lực lượng và hậu cần của họ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chặn việc phê duyệt các kế hoạch do vấn đề từ ngữ của các vị trí địa lý như Cyprus. Các nhà lãnh đạo sẽ tìm cách giải quyết vấn đề này nếu không có thỏa thuận nào đạt được trước Hội nghị thượng đỉnh.
Các nước thành viên NATO sẽ xem xét các kế hoạch phòng thủ đầu tiên mà liên minh vạch ra kể từ sau chiến tranh lạnh. Ảnh minh họa: Reuters
NATO sẽ nâng mục tiêu dự trữ đạn dược do Ukraine đang tiêu thụ đạn nhanh hơn nhiều so với khả năng sản xuất của phương Tây. Hơn 1 năm xung đột tại Ukraine đã khiến kho vũ khí của họ cạn kiệt nghiêm trọng.
Đồng thời, các nước thành viên cũng thể hiện cách họ nhắm đến việc thực hiện mục tiêu của NATO, từng được thống nhất tại Hội nghị thượng đỉnh Madrid năm 2022, về việc đặt hơn 300.000 binh sĩ trong tình trạng báo động cao, tăng từ con số 40.000 trong quá khứ.
Thụy Điển gia nhập NATO
NATO đã nhắm đến việc chào đón Thụy Điển với tư cách là thành viên thứ 32 của liên minh tại Hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa “bật đèn xanh” cho Stockholm gia nhập.
Các nước thành viên NATO hy vọng rằng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ ngừng phản đối việc này tại Hội nghị thượng đỉnh sắp tới nhưng không rõ liệu điều đó có xảy ra hay không.
XEM THÊM: Tổng thống Ukraine tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tấn công của Nga nhằm vào thành phố Lviv
Theo thông tin trên Fox News, Thụy Điển và Phần Lan đã đệ đơn gia nhập NATO. Vào tháng 4/2023, Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của khối quân sự này. Trong khi đó, việc Thụy Điển gia nhập NATO vẫn chưa được hai nước thành viên gồm Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chấp thuận.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Thụy Điển quá khoan dung với các tổ chức khủng bố và các mối đe dọa an ninh, bao gồm các nhóm chiến binh người Kurd cũng như những người có liên quan tới âm mưu đảo chính năm 2016.
Hungary cũng trì hoãn phê duyệt việc gia nhập của Thụy Điển nhưng Budapest chưa công khai rõ ràng lý do.
Nâng mục tiêu chi tiêu quân sự
Tổng thư ký NATO Stoltenberg kỳ vọng khiến mục tiêu chi tiêu quân sự hiện tại của liên minh là 2% GDP quốc gia trở thành một yêu cầu tối thiểu, thay vì mục tiêu để hướng tới. Theo ước tính được NATO công bố hồi tháng 3/2022, chưa tới 1/4 trong số 30 thành viên của liên minh đạt được mục tiêu này.
Mục tiêu được đặt ra vào năm 2014, khi các nhà lãnh đạo NATO đồng ý tăng chi tiêu lên 2% GDP cho quốc phòng trong vòng 10 năm. Báo cáo hàng năm của NATO cho thấy, Hy Lạp, Mỹ, Litva, Ba Lan, Anh, Estonia và Latvia đã đạt được mục tiêu. Đứng cuối là Bỉ, Tây Ban Nha và Luxembourg - những quốc gia có chi tiêu quốc phòng dưới 1,2% GDP.
Đinh Kim (Theo Reuters, Fox News)