Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

NATO sẽ công bố các kế hoạch phòng thủ mới tại Hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ được tổ chức tại thủ đô Vilnius của Litva trong 2 ngày.

Theo Euractiv, tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Vilnius (Litva) trong 2 ngày 11-12/7, các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự kiến sẽ ký kế hoạch phòng thủ và răn đe mới nhằm định hình phản ứng của các đồng minh trước các cuộc tấn công có khả năng xảy ra. Trước thềm hội nghị, các chi tiết vẫn đang được hoàn thiện.

Chia sẻ với các phóng viên tại Brussels (Bỉ) hôm 3/6, Đô đốc Admiral Rob Bauer - Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO (CMC) nói rằng, các thành viên NATO được kỳ vọng sẽ thông qua 3 kế hoạch khu vực. Các kế hoạch này nêu rõ mỗi quốc gia cần làm gì dựa trên địa lý của các khu vực đó nhằm ngăn chặn và bảo vệ, trong tất cả các lĩnh vực gồm trong không gian, trên mạng, trên đất liền, hàng hải và trên không.

Sau khi các kế hoạch được tán thành, các nước thành viên và nhân viên quân sự của NATO sẽ hiện thực hóa chúng thông qua các cuộc tập trận và đầu tư. Cơ cấu lực lượng cũng sẽ được quyết định, bao gồm số lượng binh lính và thiết bị với cảnh báo sẵn sàng cao, cơ cấu chỉ huy và kiểm soát.

Được biết, tại Hội nghị thượng đỉnh Madrid của NATO hồi năm 2022, các thành viên đã đồng ý tăng cường sự hiện diện của họ ở sườn phía Đông, một mô hình lực lượng mới với 300.000 binh sĩ NATO trên lãnh thổ liên minh với 3 cảnh báo sẵn sàng cao có thể được triển khai trong 3, 10 và 30 ngày.

Trụ sở NATO tại Brussels (Bỉ). Ảnh: AP

Theo thông tin từ Thiếu tướng Matthew Van Wagwnen - Phó Tham mưu trưởng Tác chiến SHAPE, hện tại, các kế hoạch đó gồm khoảng 40.000 binh sĩ dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Đồng minh Tối cao NATO ở châu Âu (SACEUR), 100 máy bay và 27 tàu chiến ở Biển Baltic và Địa Trung Hải.

Các kế hoạch mới của NATO đã được thực hiện từ năm 2018, sau khi Nga sáp nhập Crimea và ngày càng có nhiều lo ngại rằng các biện pháp hiện tại không đủ để đối phó với những mối đe dọa an ninh đang gia tăng.

Tuần trước, các thành viên NATO đưa ra một cam kết bí mật về việc đặt một số lượng binh lính và thiết bị nhất định từ các lực lượng vũ trang của họ dưới sự chỉ huy của liên minh quân sự này.

Đô đốc Bauer cho biết, hiệu quả của các kế hoạch phòng thủ phụ thuộc vào đầu tư và tuyển dụng cho lực lượng vũ trang, đồng thời tất cả các thành viên “phải làm việc để đạt được số lượng lực lượng cao hơn với mức độ sẵn sàng cao hơn, tập trận theo kế hoạch, mua các trang thiết bị cần thiết, tuyển dụng, đào tạo, đảm bảo nguồn dự trữ. Tuy nhiên, ông không nêu cụ thể cần có những nguồn lực gì và số lượng ra sao để đạt được mục tiêu của kế hoạch.

“Nếu tất cả các khoản đầu tư được thực hiện bởi các quốc gia và họ có hệ thống mà chúng tôi yêu cầu, chúng tôi sẽ có khả năng thực thi đầy đủ các kế hoạch. Tuy nhiên, cần một khoảng thời gian đáng kể để đạt được mục tiêu, không thể hoàn thành chỉ trong một sớm một chiều”, Đô đốc Bauer nói thêm.

Ông Bauer cho hay công việc thực sự bắt đầu sau Hội nghị thượng đình của NATO tại Vilnius, đồng thời nhấn mạnh có sự lạc quan khi các thành viên đang đóng góp nhiều hơn mong đợi. Dù vậy, ông kêu gọi tăng chi tiêu quốc phòng do việc này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thực hiện kế hoạch.

Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, tại Hội nghị thượng đỉnh sắp tới, các thành viên của khối liên minh quân sự này được kỳ vọng sẽ đồng ý với cam kết đầu tư quốc phòng mới, với mức đầu tư tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng. Cam kết bao gồm mục tiêu đầu tư 20% trong số đó vào thiết bị nhưng hiện tại, hầu hết thành viên đều không đạt được một trong hai tiêu chí quan trọng này.

XEM THÊM: Đánh bom ở tòa án thủ đô Kiev, 3 người thương vong

Đô đốc Bauer cũng cho rằng cần đầu tư nhiều hơn vào phòng không vì xung đột tại Ukraine cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát bầu trời trong trường hợp xảy ra chiến tranh thông thường.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các thành viên NATO ở sườn phía Đông đã yêu cầu các đồng minh tăng cường sự hiện diện như một động thái nhằm “răn đe” Nga. Thế nhưng, ông Bauer nói rằng ông “sẽ thận trọng, không tập trung toàn bộ lực lượng vào sườn phía Đông, phòng trường hợp kẻ thù xuất hiện ở khu vực khác”, đồng thời mong đợi sự linh hoạt của các thành viên NATO.

Đinh Kim (Theo Euractiv)

Tin nổi bật