Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Thời cơ và thách thức

  • Nguyễn Lâm - Lê Liên
(DS&PL) -

Việt Nam đang bước vào giai đoạn quan trọng trong lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán, việc được nâng hạng lên thị trường mới nổi được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội thu hút vốn đầu tư quốc tế vào nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, việc nâng hạng thị trường cũng có thể dẫn đến những rủi ro, do vậy cần có các giải pháp để kiểm soát, quản lý.

Triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Thị trường vốn của các quốc gia hiện đang được phân theo 4 nhóm gồm: nhóm thị trường phát triển, thị trường mới nổi, thị trường cận biên và thị trường không đủ điều kiện để được phân loại (về phát triển kinh tế, quy mô và tính thanh khoản, và khả năng tiếp cận thị trường). 

Hiện nay, TTCK Việt Nam đang ở nhóm thị trường cận biên và được FTSE Russell đưa vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc TTCK Việt Nam được xếp vào nhóm thị trường mới nổi sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trước hết, được xếp hạng thị trường mới nổi sẽ mở rộng đáng kể quy mô dòng vốn quốc tế chảy vào Việt Nam.

Trong 5 năm trở lại đây (2020 - 2024), thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận bước phát triển vượt bậc cả về quy mô lẫn số lượng nhà đầu tư tham gia. Số lượng tài khoản chứng khoán tăng gấp 3 lần, từ hơn 2,7 triệu tài khoản cuối 2020 lên hơn 7,2 triệu tài khoản cuối 2023, tương đương hơn 7% dân số, vượt xa mục tiêu đề ra đến năm 2025.

Thị trường chứng khoán được nâng hạng lên thị trường mới nổi được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán Việt Nam

Trong nỗ lực nâng hạng TTCK, những năm qua, TTCK Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và có những cải thiện rõ rệt trong việc đáp ứng tiêu chí nâng hạng như quy mô thị trường, tính thanh khoản, và sự hỗ trợ chính sách.  

Cụ thể, theo Báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2025 cho thấy, đến cuối 2024, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM đạt 7,19 triệu tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm trước, tương đương 70,4% GDP năm 2023.  

Giá trị thanh khoản giao dịch bình quân đạt 21,1 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 19,9% so với bình quân năm trước. 

Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC yêu cầu các công ty niêm yết, công ty đại chúng phải công bố thông tin bằng tiếng Anh theo lộ trình, trong đó công ty niêm yết và đại chúng quy mô lớn phải áp dụng để công bố thông tin định kỳ từ 1/1/2025 và công bố thông tin bất thường, công bố thông tin theo yêu cầu từ 1/1/2026.  

Bên cạnh đó, Thông tư 68 cũng cho phép các nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức đặt lệnh mua cổ phiếu mà không yêu cầu có đủ tiền. Theo đó, công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư mở tài khoản đặt lệnh mua cổ phiếu sẽ tự chịu trách nhiệm đánh giá rủi ro thanh toán của nhà đầu tư, từ đó xác định mức tiền cần phải có cho giao dịch mua cổ phiếu trên tài khoản của nhà đầu tư.  

Việc ra đời của Thông tư 68 được đánh giá là bước cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận cho nhà đầu tư nước ngoài.  

Với những bước cải thiện rõ rệt nêu trên, hiện Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí theo đánh giá tháng 9/2024 của FTSE Russell và nhiều chuyên gia tại các công ty chứng khoán lớn đã dự báo FTSE có thể nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi thứ cấp trong năm 2025. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị Đối thoại với các nhà đầu tư tổ chức quốc tế được tổ chức tại Hong Kong (Trung Quốc) hôm 8/4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, để phát triển TTCK ổn định và bền vững, Chính phủ đã đề ra các định hướng, chiến lược, các cơ quan quản lý, trực tiếp là Bộ Tài chính, UBCKNN trong việc xây dựng giải pháp, thực hiện các mục tiêu nhằm phát triển TTCK an toàn, ổn định với lộ trình phát triển dài hạn.  

Trong đó, nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trên hành trình phát triển dài hạn của TTCK Việt Nam. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, dù còn nhiều thách thức, đặc biệt là tình hình kinh tế, tài chính, thương mại trên toàn cầu, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm giữ nguyên mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GPD từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo tiền đề cho tăng trưởng 2 con số cho giai đoạn tới.  

Vì vậy, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn cho mục tiêu này và xác định xây dựng TTCK là kênh dẫn vốn trung, dài hạn chủ yếu cho phát triển kinh tế đất nước có vai trò quan trọng.  

Với những nỗ lực trên, việc đáp ứng các tiêu chí nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi, hiện TCK Việt Nam đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí của FTSE Russell (công ty độc lập và có nhiệm vụ tạo chỉ số cho thị trường tài chính toàn cầu).  

Cơ hội vàng cho nhà đầu tư

Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Luật sư Điều hành, Giám đốc Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA cho biết, việc nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho cả thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty niêm yết.  

Tác động rõ ràng nhất nếu được nâng hạng lên thành thị trường mới nổi là TTCK Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn lớn hơn, ổn định và đa dạng hơn từ những nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó, thanh khoản thị trường cũng được cải thiện và trở nên bền vững hơn. 

Còn đối với doanh nghiệp, việc thị trường chứng khoán được nâng hạng đồng nghĩa với tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn quốc tế, bền vững và giảm thiểu rủi ro hơn. Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội và được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu để thu hút vốn trên thị trường quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Luật sư Điều hành, Giám đốc Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA nhấn mạnh, việc nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho cả thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty niêm yết

Song song, doanh nghiệp cũng được tiếp xúc với những chuẩn mực quản trị doanh nghiệp quốc tế, tăng cường giá trị thương hiệu và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững. Không chỉ vậy, việc tăng cường giá trị thương hiệu cũng giúp tạo ra các cơ hội hợp tác và mở rộng quy mô cho các doanh nghiệp thông qua hoạt động M&A. 

Đồng quan điểm, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Trần Mạnh Hoàng Việt cũng cho rằng, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi mang ý nghĩa vô cùng lớn trên nhiều phương diện, cả với thị trường, doanh nghiệp lẫn nền kinh tế. 

Trước tiên là cơ hội thu hút dòng vốn hàng chục tỷ USD từ các quỹ đầu tư toàn cầu. Thực tế, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới như MSCI, FTSE hay BlackRock hiện quản lý lượng vốn lên tới nghìn tỷ USD, nhưng phần lớn chỉ giải ngân vào các thị trường mới nổi trở lên. Việt Nam hiện nằm trong rổ thị trường cận biên của MSCI và FTSE, nên chưa tiếp cận được dòng vốn khổng lồ này. 

Theo ước tính của nhiều tổ chức tài chính quốc tế, nếu Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi, sẽ có ít nhất 5 - 10 tỷ USD dòng vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán trong thời gian ngắn thông qua các quỹ ETF và quỹ đầu tư chủ động. Thanh khoản thị trường sẽ tăng vọt, giúp thị trường bền vững hơn, giảm tình trạng "sóng gió" khi khối ngoại thoái vốn. 

Tiếp đó là nâng cao chất lượng hàng hóa và minh bạch thị trường. Theo đó, để được nâng hạng, Việt Nam bắt buộc phải hoàn thiện chuẩn mực báo cáo tài chính theo IFRS, nâng cao quản trị doanh nghiệp, siết chặt công bố thông tin, bảo vệ nhà đầu tư. 

Điều này vô hình trung tạo ra "cuộc thanh lọc" trên thị trường. Doanh nghiệp yếu kém, làm ăn gian dối sẽ dần bị loại bỏ, nhường chỗ cho các doanh nghiệp làm ăn bài bản, minh bạch. Đây là yếu tố sống còn để thị trường phát triển bền vững, giảm những "cú sốc" như từng xảy ra với nhóm FLC, Louis Holdings hay những vụ thao túng giá gây mất niềm tin nhà đầu tư năm 2022. 

Việc nâng hạng còn giúp quảng bá hình ảnh TTCK Việt Nam trên bản đồ tài chính toàn cầu. Hiện nay, các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều đã ở nhóm thị trường mới nổi. Khi Việt Nam được nâng hạng, hình ảnh thị trường tài chính Việt Nam sẽ được cải thiện rõ rệt, trở thành điểm đến của các quỹ đầu tư lớn. Điều này không chỉ tốt cho chứng khoán, mà còn giúp hút vốn FDI, phát triển thị trường trái phiếu và nhiều ngành kinh tế khác. 

Quan trọng hơn, việc nâng hạng TTCK sẽ tạo cú hích huy động vốn cho doanh nghiệp và phát triển kinh tế. Nâng hạng sẽ giúp chi phí huy động vốn của doanh nghiệp Việt giảm đáng kể. Khi thị trường minh bạch, được quốc tế công nhận, doanh nghiệp Việt dễ dàng phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra quốc tế, tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn. 

Lấy ví dụ, tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đạt gần 60 % GDP, nhưng so với các nước trong khu vực vẫn còn thấp. Nâng hạng sẽ là bước đệm để thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng, thay vì quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng như hiện nay. 

Việc nâng hạng TTCK cũng sẽ thúc đẩy sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của nhà đầu tư tổ chức, quỹ hưu trí. Hiện 99% giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam là do nhà đầu tư cá nhân chi phối, dễ dẫn đến đầu cơ, tăng giảm thất thường. Khi nâng hạng, các quỹ đầu tư dài hạn, quỹ hưu trí, bảo hiểm... sẽ vào cuộc mạnh mẽ, tạo ra dòng tiền bền vững, giúp thị trường ổn định và chuyên nghiệp hơn. 

Thách thức, áp lực và dư địa phát triển

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam là mục tiêu lớn, nhưng đi cùng với đó là không ít thách thức và áp lực, cả về kỹ thuật lẫn chiến lược dài hạn. Ông Trần Mạnh Hoàng Việt cho rằng, thách thức trước tiên để TTCK Việt Nam được nâng hạng là áp lực cải thiện hệ thống hạ tầng giao dịch và thanh toán. Bởi theo ông Việt, một trong những yêu cầu bắt buộc để được MSCI và FTSE nâng hạng là Việt Nam phải nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ, đảm bảo giao dịch an toàn, tốc độ cao, hạn chế tối đa nghẽn lệnh. 

Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Trần Mạnh Hoàng Việt

Thực tế, giai đoạn 2021, Sở Giao dịch TP.HCM từng chứng kiến tình trạng nghẽn lệnh kéo dài, giá trị khớp lệnh vượt 20.000 tỷ đồng/phiên là hệ thống "đơ", gây thiệt hại lớn.

Mặc dù hệ thống mới của FPT đưa vào vận hành đã cải thiện phần nào, nhưng so với chuẩn quốc tế, khả năng xử lý giao dịch vẫn cần nâng cấp mạnh mẽ để đáp ứng thanh khoản tăng vọt khi dòng vốn ngoại lớn đổ vào sau nâng hạng. 

Tiếp đó là thách thức về rào cản pháp lý và chính sách dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Một nút thắt lớn của Việt Nam hiện nay là quy định về room ngoại - tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài ở nhiều ngành nghề bị giới hạn hoặc còn nhiều bất cập.  

Trong khi đó, các thị trường mới nổi trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đều đã có cơ chế như NVDR (chứng chỉ không quyền biểu quyết) để "lách" room ngoại, tạo điều kiện cho dòng vốn nước ngoài vào mạnh mẽ hơn.  

Vì vậy, Việt Nam muốn nâng hạng buộc phải xem xét nới room ngoại hoặc có giải pháp thay thế, đây là bài toán không dễ vì còn liên quan đến các luật chuyên ngành và lo ngại về kiểm soát doanh nghiệp. 

Rủi ro biến động thị trường tăng mạnh trong quá trình nâng hạng cũng là một trong những thách thức chúng ta phải đối mặt.  

Thực tế tại nhiều nước từng trải qua giai đoạn nâng hạng cho thấy, dòng vốn vào/ra của các quỹ là cực lớn và diễn ra trong thời gian ngắn, có thể gây ra các cú sốc thanh khoản, biến động mạnh về giá cổ phiếu. 

“Một số thị trường như Qatar, UAE từng tăng trưởng rất mạnh khi được nâng hạng, nhưng sau đó cũng đối mặt với các đợt bán tháo lớn khi dòng tiền rút ra hoặc chuyển hướng. Việt Nam cũng không nằm ngoài kịch bản này. Nếu thị trường chưa có lực đỡ đủ mạnh từ nhà đầu tư tổ chức trong nước, rủi ro "sốc cung cầu" sẽ rất lớn”, ông Việt phân tích. 

Một vấn đề khác cần được lưu ý là việc nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết và minh bạch thông tin. Một thực tế là chất lượng báo cáo tài chính, minh bạch thông tin của không ít doanh nghiệp Việt còn thấp so với chuẩn quốc tế. Việc áp dụng chuẩn IFRS là bắt buộc nếu muốn nâng hạng, nhưng lộ trình thực hiện không hề đơn giản.

Đa phần doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đủ năng lực tài chính và nhân sự để triển khai IFRS. Trong khi đó, các vấn đề về giao dịch nội gián, thao túng giá, công bố thông tin thiếu minh bạch vẫn là nỗi lo lớn, nếu không xử lý dứt điểm sẽ cản trở quá trình nâng hạng. Đặc biệt, thách thức về mặt bằng sản phẩm tài chính và cơ cấu nhà đầu tư.

Việt Nam hiện thiếu các sản phẩm tài chính đa dạng như quyền chọn, quỹ hưu trí, REITs… Trong khi đó, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 99% giao dịch, dễ dẫn đến biến động mạnh, thiếu tính ổn định. 

“Do đó, muốn nâng hạng, Việt Nam cần song song phát triển nhà đầu tư tổ chức, quỹ nội dài hạn, tạo lực đỡ cho thị trường khi đón dòng vốn ngoại vào/ra bất ngờ. Đây cũng là thách thức lớn vì cơ chế phát triển quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm tại Việt Nam hiện vẫn còn sơ khai”, ông Việt nhấn mạnh. 

Thận trọng với những biến số sau lên hạng 

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Ngọc Anh lưu ý, trong bối cảnh nỗ lực nâng hạng thị trường, thách thức lớn nhất không chỉ dừng lại ở việc được công nhận nâng hạng, mà còn là khả năng duy trì xếp hạng đó một cách ổn định và bền vững.  

Các doanh nghiệp cần chủ động chào đón và tận dụng những cơ hội mà việc nâng hạng thị trường chứng khoán mang lại

Riêng đối với doanh nghiệp, khi thị trường được nâng hạng, đồng thời cũng là việc phải áp dụng những quy chuẩn mới, chặt chẽ và nghiêm khắc hơn trong công tác tuân thủ và quản trị điều hành, từ đó doanh nghiệp sẽ cần phải đầu tư thêm cả thời gian và chi phí, đồng thời sẽ phải đối mặt với những rủi ro khi không đáp ứng các yêu cầu này như việc bị giảm uy tín, sự rời bỏ của nhà đầu tư, nguy cơ phải bồi thường khi không đáp ứng các cam kết đề ra.

Do đó, để lộ trình nâng hạng được thực thi hiệu quả, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần đánh giá thận trọng và chuẩn bị đầy đủ về mặt pháp lý, kỹ thuật cũng như năng lực quản trị rủi ro, nhằm bảo đảm sự ổn định dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Từ những phân tích trên, luật sư Nguyễn Thị Ngọc Anh cho rằng để đáp ứng điều kiện nâng hạng thị trường, chúng ta cần xem xét việc điều chỉnh, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế mà FTSE Russell và MSCI đặt ra.

Cụ thể là quy định về việc nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài. Hiện nay, giới hạn sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng được quy định tại Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán.  

Theo đó, với những ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài không quy định cụ thể thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty là 50% vốn điều lệ.  

Trong khi đó, MSCI yêu cầu thị trường phải có mức độ mở cửa cao, với giới hạn sở hữu nước ngoài tối thiểu hoặc không tồn tại, đặc biệt trong các ngành chiến lược như ngân hàng, viễn thông, hàng không và bán lẻ.  

Do đó, để có thể đáp ứng được yêu cầu này, các nhà làm luật của Việt Nam sẽ phải nghiên cứu phương án sửa Luật Đầu tư và các văn bản liên quan theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối thiểu và cho phép các doanh nghiệp tự quyết định tỷ lệ FOL (trừ lĩnh vực nhạy cảm về an ninh quốc gia). 

Đặc biệt, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý về giao dịch và thanh toán. Cụ thể, MSCI yêu cầu tiêu chí bắt buộc khi nâng hạng thị trường chứng khoán là phải áp dụng Chu kỳ thanh toán T+2 không yêu cầu ký quỹ trước (non pre-funding) và triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP). 

Theo thông tin từ VSDC, hiện nay, chúng ta đang xây dựng cơ chế và sẽ hoàn thành việc thử nghiệm mô hình CCP vào cuối năm nay. Như vậy, các văn bản pháp luật trong lĩnh vực giao dịch chứng khoán, bù trừ thanh toán chứng khoán cần bổ sung các quy định để phù hợp với mô hình này và đặc biệt làm rõ cơ chế vận hành và phân rõ trách nhiệm triển khai cũng như bồi thường nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư khi xảy ra sự cố. 

Doanh nghiệp cần làm gì để "đón sóng"? 

Trước những biến động mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây và để thích ứng với xu thế chuyển mình hướng tới mục tiêu nâng hạng, bên cạnh việc tiếp tục củng cố sức mạnh nội tại, các doanh nghiệp cần chú trọng các biện pháp để có thể chủ động chào đón và tận dụng những cơ hội mà việc nâng hạng thị trường có thể mang lại, đặc biệt là việc thu hút được dòng vốn ngoại. 

Theo đó, việc đầu tiên đó là cần chủ động xây dựng và duy trì hệ thống quản trị và công bố thông tin minh bạch, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, cụ thể thay vì lập BCTC theo chuẩn mực kế toán Việt Nam thì có thể áp dụng thêm theo chuẩn mực kế toán quốc tế - IFRS để gia tăng độ tin cậy của BCTC.  

Ngoài ra, việc tuân thủ đúng đắn các quy định pháp luật, đảm bảo việc công bố thông tin đầy đủ, trung thực, kịp thời cũng là yếu tố then chốt để tạo dựng niềm tin với nhà đầu tư quốc tế. Các doanh nghiệp cần duy trì một đội ngũ chuyên gia tư vấn và thực thi công tác quản trị hiệu quả bởi đôi khi chỉ cần những sai sót nhỏ cũng có thể gây những tác động không lường đối với hình ảnh, thương hiệu của Công ty. 

Thứ hai, để có thể tận dụng được cơ hội tiếp cận với những nguồn vốn quốc tế, các doanh nghiệp cần xây dựng cho mình chiến lược tăng trưởng hiệu quả và mang tính cạnh tranh.  

Đồng thời, các doanh nghiệp chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật hiện hành có liên quan để xác định các điều kiện, hồ sơ, trình tự triển khai các hoạt động huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, từ đó có kế hoạch để chuẩn bị hoặc hoàn thiện hệ thống của mình. 

Thứ ba, doanh nghiệp cần tìm hiểu để tận dụng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước trong giai đoạn này, xuất phát từ cam kết của Chính phủ để đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng thị trường.  

Tin nổi bật