Theo tổng hợp từ báo cáo tài chính quý I/2025 của 27 ngân hàng niêm yết, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 82.531 tỷ đồng, tăng 14,48% so với cùng kỳ năm 2024.
Đáng chú ý, không có ngân hàng nào ghi nhận lỗ trong quý đầu năm. Trong số này, 22 ngân hàng báo lãi tăng, chỉ có 5 ngân hàng ghi nhận sụt giảm lợi nhuận, cho thấy xu hướng phục hồi chung nhưng phân hóa ngày càng sâu.
Theo tin tức trên Đầu tư chứng khoán, trong quý I/2025, Vietcombank cắt giảm hơn 50% chi phí dự phòng rủi ro so cùng kỳ năm trước, giúp lợi nhuận trước thuế tăng nhẹ 1,3% đạt 10.860 tỷ đồng - tiếp tục giữ vị trí quán quân lợi nhuận ngành (Agribank chưa công bố báo cáo tài chính quý I); lợi nhuận sau thuế đạt 8.702 tỷ đồng, cũng tăng 1,3%.
Ngân hàng có lãi trước thuế cao thứ hai là MBBank, ở mức 8.386 tỷ đồng, trong khi BIDV báo lãi 7.413 tỷ đồng, xếp thứ ba trong hệ thống.
Xét về cơ cấu thu nhập, thu nhập lãi thuần của Vietcombank đạt 13.687 tỷ đồng, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước, do mức tăng của thu nhập lãi (tăng 2,31%) thấp hơn mức tăng của chi phí lãi (tăng 9,52%). Ở chiều ngược lại, mảng kinh doanh ngoài lãi đem lại kết quả khả quan khi thu về 3.578 tỷ đồng, tăng 11,72% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi từ hoạt động dịch vụ giảm hơn 44%, từ 1.442 tỷ đồng xuống còn 806 tỷ đồng.
Như vậy, tổng thu nhập hoạt động trong kỳ của Vietcombank đi ngang so với cùng kỳ, nhưng tổng chi phí lại tăng 11,8%, từ đó thu hẹp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (giảm 5%, đạt 11.612 tỷ đồng). Chi phí hoạt động trong kỳ tăng lên chủ yếu do tăng chi cho nhân viên, nhưng với việc mạnh tay cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro giúp cho Vietcombank vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương. Tuy vậy, tính đến cuối quý, số dư nợ xấu của Vietcombank tăng 7,7% lên 15.036 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,96% lên 1,03%.
Tại Techcombank, chi phí dự phòng rủi ro giảm 10% trong quý đầu năm nay, chỉ trích gần 1.100 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 7.236 tỷ đồng. Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu của Techcombank tăng 9,6% so với đầu năm, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ (tính bằng nợ nhóm 3,4 và 5 chia tổng cho vay khách hàng) lên 1,17%, song vẫn thấp hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Với TPBank, ngân hàng này giảm tới 59% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý I/2025, chỉ còn trích gần 490 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt gần 2.109 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với kế hoạch 9.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm 2025, TPBank đã thực hiện được hơn 23% sau 3 tháng đầu năm. Dù vậy, đi cùng xu hướng chung của toàn hệ thống, tổng nợ xấu của TPBank tính đến 31/3/2025 đạt gần 5,971 tỷ đồng, tăng 57% so với đầu năm, kéo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ 1,52% lên 2,27%.
Kết thúc 3 tháng đầu năm 2025, VietinBank lãi trước thuế 6.823 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế ở mức 5.499 tỷ đồng, tăng gần 10%. Thu nhập lãi thuần tăng 2% khi mức tăng thêm của thu nhập lãi tăng trội hơn so với chi phí lãi, đồng thời thu nhập ngoài lãi tăng gần 28%, mang về 4.978 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 9,5% về mức 1.611 tỷ đồng, lãi kinh doanh ngoại hối giảm hơn 32%, từ 1.344 tỷ đồng xuống còn 913 tỷ đồng.
Trong quý I/2025, tổng thu nhập hoạt động của VietinBank tăng 7,3% và tổng chi phí cũng tăng gần 15%, chủ yếu do tăng chi cho nhân viên. Vì vậy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng khiêm tốn 4,7% lên 14.934 tỷ đồng. Số dư nợ xấu vào cuối kỳ tăng 31% lên 27.971 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,55%.
Nhìn chung, hiện tại, bộ đệm dự phòng của các ngân hàng không còn “dày” như giai đoạn trước và có sự phân hóa rõ nét. Các ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ có bộ đệm dự phòng thấp hơn nhóm các ngân hàng quốc doanh.
Bức tranh ngành ngân hàng quý I/2025. (Ảnh: Báo Thanh tra)
Theo tin tức trên báo Thanh tra, chiều ngược lại, một số nhà băng chững lại hoặc sụt giảm lợi nhuận.
Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB, mã VIB) là một trong số ít ngân hàng ghi nhận lợi nhuận suy giảm, với mức lãi trước thuế quý I đạt gần 2.421 tỷ đồng, giảm 3%. Mặc dù vẫn hoàn thành được 22% kế hoạch năm, nhưng nợ xấu tăng 11%, lên 12.675 tỷ đồng.
Ngân hàng Á Châu (ACB, mã ACB) báo lãi 4.597 tỷ đồng, giảm 6%. Tương tự, OCB (mã OCB) đạt lợi nhuận trước thuế 893 tỷ đồng, giảm mạnh 26,5%. Dù thu nhập lãi thuần tăng gần 14%, nhưng thu nhập ngoài lãi lại giảm sâu tới 72%, chỉ đạt 110 tỷ đồng – cho thấy sự phụ thuộc lớn vào thu nhập truyền thống.
PGBank cũng nằm trong nhóm sụt giảm, với lợi nhuận quý I chỉ đạt 96 tỷ đồng, giảm 17,3%.
Theo báo cáo mới đây của SSI Research, chất lượng tài sản tại nhiều ngân hàng vẫn chịu áp lực trong quý I/2025, khi thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, đặc biệt tại TP.HCM.
Nhiều dự án thiếu pháp lý hoặc khó thanh khoản khiến các khoản vay mua nhà hoặc tín dụng liên quan bị chuyển nhóm, gia tăng nợ xấu. Ngoài ra, các ngân hàng quốc doanh cũng chịu ảnh hưởng từ việc cơ cấu khoản vay với một số doanh nghiệp vật liệu xây dựng – lĩnh vực đang gặp khó về đầu ra và dòng tiền.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, ngành ngân hàng đang bước vào giai đoạn tăng trưởng có chọn lọc. Những nhà băng kiểm soát rủi ro tốt, triển khai chiến lược tín dụng thận trọng và duy trì cấu trúc tài sản lành mạnh sẽ tiếp tục nắm giữ lợi thế cạnh tranh.
Ngược lại, các ngân hàng phụ thuộc nhiều vào thu nhập ngoài lãi hoặc đang chịu áp lực từ danh mục cho vay rủi ro – đặc biệt là lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng – sẽ còn gặp khó khăn trong các quý tiếp theo.