(ĐSPL) – Mỹ đang tìm kiếm khách hàng để "bán tống, tháo tháo " số lượng thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ USD ở Afghanistan.
Công việc này trở nên khó khăn hơn trong khu vực có những mối quan hệ giữa các nước láng giềng chìm trong tình trạng nghi ngờ và sự thù địch.
Một thông báo của Đại sứ quán Mỹ tại Pakistan cho biết, Islamabad đang quan tâm đến việc mua những thiết bị quân sự cũ của Mỹ. Theo đó, đề nghị của Pakistan đang được xem xét nhưng họ sẽ không nhận được bất cứ thiết bị nào, bao gồm cả xe bọc thép kháng mìn MRAP từ quốc gia láng giềng Afghanistan.
|
Những chiếc xe bọc thép kháng mìn MRAP
|
Trước đó, tuyên bố của Mỹ cũng khẳng định Pakistan sẽ không nhận được bất cứ thiết bị nào ở Afghanistan được rao bán.
Mark Wright, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Mỹ, nói với hãng tin AP qua một cuộc phỏng vấn trên điện thoại rằng, Mỹ có thể bán vũ khí cho các “quốc gia lân cận” vì chi phía vận chuyển số vũ khí này về Mỹ sẽ rất tốn kém.
Số vũ khí được chào bán bao gồm 800 xe bọc thép chở quân MRAP. Việc bán số xe này sẽ có thể giúp Mỹ tiết kiệm ít nhất 500 triệu USD tiền vận chuyển và thu về trăm triệu USD. Các xe MRAP đã được Mỹ sử dụng ở Iraq và Afghanistan nhằm đối phó với các cuộc tấn công bằng bom mìn cài đặt trên đường của quân nổi dậy.
Theo AP, ít nhất 2.176 binh sĩ Mỹ thiệt mạng tại Afghanistan kể từ khi Washington tấn công nước này vào cuối năm 2011. Nhiều người trong số họ thiệt mạng do trúng bom rải trên đường.
Tuy nhiên, dường như quốc gia láng giềng gần kề nhất với Afghanistan là Pakistan sẽ không nhận được bất cứ chiếc xe MRAP nào mà Mỹ đang rao bán, mặc dù, bom rải trên đường là một trong những loại vũ khí chết người được phiến quân Pakistan sử dụng nhiều nhằm đối phó với khoảng 170 nghìn binh sĩ Pakistan. Số binh sĩ này được triển khai ở khu vực sinh sống của các bộ lạc giáp ranh với Afghanistan và Pakistan.
Phát ngôn viên Wright nói rằng Mỹ cũng đang cố gắng thanh lý số vũ khí bán quân sự trị giá 6 tỷ USD như bàn, ghế, máy phát điện,… trước khi toàn bộ binh sĩ Mỹ và NATO rút khỏi Afghanistan vào cuối năm nay.