Chính quyền quân sự Myanmar đã tìm cách rút tài khoản 1 tỷ USD tại ngân hàng New York vài ngày sau cuộc đảo chính ngày 1/2 song không thành.
Cảnh sát Myanmar dùng súng, hơi cay giải tán người biểu tình. Ảnh: AP |
Theo Reuters, các quan chức Mỹ cho biết, chính quyền quân sự của Myanmar đã cố gắng rút khoảng 1 tỷ USD được phong tỏa tại Ngân hàng dự trữ liên bang New York vài ngày sau khi thực hiện đảo chính, nắm quyền hôm 1/2. Các quan chức Mỹ đã đóng băng các khoản tiền đó vô thời hạn.
Mỹ, Canada, Anh và Liên minh châu Âu đều đã áp các lệnh trừng phạt mới với quân đội Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính. Giới chức Mỹ ngày 4/3 công bố thêm lệnh trừng phạt nhằm vào Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ Myanmar và hai tổ chức liên quan là Cơ quan Hợp tác Kinh tế và Công ty TNHH Kinh tế Myanmar.
Theo lệnh trừng phạt mới này, Mỹ hạn chế xuất khẩu và tái xuất khẩu các hàng hóa thuộc danh mục quản lý xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ cho các thực thể trên của Myanmar. Ngoài ra, Washington cũng hạn chế xuất khẩu cho Myanmar các hàng hóa bị nghi ngờ dùng cho mục đích quân sự.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng ban hành lệnh trừng phạt với 10 quan chức quân đội Myanmar chịu trách nhiệm vụ đảo chính hôm 1/2. Trong số này có Thống tướng Min Aung Hlaing - người hiện nắm quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp ở Myanmar và Bộ trưởng Quốc phòng Mya Tun Oo.
Theo lệnh trừng phạt của Washington, tài sản tại Mỹ của các quan chức quân đội Myanmar sẽ bị đóng băng, đồng thời họ cũng bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Myanmar được thực hiện trong bối biểu tình phản đối đảo chính tiếp diễn ở Myanmar, trong khi lực lượng an ninh nước này sử dụng các biện pháp mạnh tay đối phó với người biểu tình.
Theo Liên Hợp Quốc, ít nhất 38 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình ngày 3/3, nâng tổng số người thiệt mạng kể từ sau đảo chính lên hơn 50 người. Chính quyền quân đội Myanmar hiện cũng bắt giữ khoảng 1.700 người biểu tình. Bất chấp cảnh báo có thể đối mặt thêm các lệnh trừng phạt quốc tế và bị cô lập, quân đội Myanmar tuyên bố họ sẵn sàng chấp nhận lệnh trừng phạt.
Mộc Miên (Theo Reuters)