Ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu đồng ý áp các biện pháp trừng phạt nhằm vào quân đội Myanmar liên quan vụ chính biến hôm 1/2.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrel. Ảnh: Reuters |
Ngày 22/1, ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất áp đặt lệnh trừng phạt lên quân đội Myanmar, rút một số viện trợ phát triển với nước này.
Các ngoại trưởng EU nhấn mạnh khối này "sẵn sàng áp dụng các biện pháp hạn chế" như cấm đi lại và đóng băng tài sản những cá nhân dính líu cuộc đảo chính ngày 1/2 ở Myanmar. EU cũng sẽ xem xét lại quan hệ hợp tác với Myanmar và các ưu đãi thương mại dành cho quốc gia này.
Kênh Al Jazeera đưa tin Anh, Canada, New Zealand và Mỹ đều đã tuyên bố lệnh trừng phạt nhắm đến một số quan chức quân đội Myanmar.
"Chúng ta không nên bàng quan đứng nhìn", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas phát biểu trong cuộc họp với những người đồng cấp EU tại Brussels (Bỉ) ngày 22/2. Ông Maas kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân sự Myanmar nếu các giải pháp ngoại giao thất bại.
Tuy nhiên, đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại và an ninh EU, ông Josep Borrell, khẳng định EU sẽ không rút các ưu đãi thương mại đặc biệt dành cho Myanmar.
Theo ông Borrell, biện pháp trừng phạt kiểu này có thể gây ảnh hưởng đến tất cả người dân Myanmar, bao gồm cả những người nghèo kiếm sống trong ngành dệt may.
"Chúng tôi sẽ không làm điều đó. Nó chỉ gây hại cho người dân chứ không phải quân đội Myanmar", quan chức EU lập luận.
Ở một diễn biến khác, các nhà ngoại giao châu Âu cũng thống nhất đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại các quan chức cấp cao của Nga sẽ nhằm vào 4 người được cho là chịu trách nhiệm “bức hại” nhà đối lập Navalny, sử dụng chế độ nhân quyền mới của EU được thông qua vào năm ngoái.
Các nhà ngoại giao không nêu tên các cá nhân bị nhắm mục tiêu nhưng động thái hạn chế có vẻ sẽ làm thất vọng những người kêu gọi phản ứng cứng rắn chống lại Moscow.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho biết các biện pháp trừng phạt nhằm gửi đi một "tuyên bố rằng chúng tôi không sẵn sàng chấp nhận những điều nhất định". Ông nói: “Nhưng điều cần thiết là chúng tôi tiếp tục đối thoại với Nga”.
Cũng trong cuộc họp mới nhất, các bộ trưởng châu Âu đã bổ sung 19 quan chức Venezuela vào danh sách đen vì "phá hoại nền dân chủ" và vi phạm nhân quyền sau khi EU cáo buộc cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 12 là không dân chủ.
Mộc Miên (T/h)