Ngày 28/2 trở thành ngày bạo lực leo thang căng thẳng nhất kể từ khi làn sóng biểu tình bùng phát ở Myanmar, ít nhất 18 người thiệt mạng.
Người biểu tình ở Mandalay (Myanmar) ngày 28/2. Ảnh: AP |
Ngày 28/2 (giờ địa phương), hàng chục ngàn người dân Myanmar tiếp tục xuống đường trên khắp cả nước để phản đối chính quyền quân sự, đánh dấu tuần thứ hai liên tiếp quốc gia này chìm trong bất ổn.
Các lực lượng an ninh của chính quyền quân sự đã dùng lựu đạn gây choáng, hơi cay và thậm chí cả đạn thật để giải tán các đám đông chống đối đang tuần hành rầm rộ ở nhiều thành phố và thị trấn trên khắp cả nước kể từ khi quân đội tiến hành đảo chính ngày 1/2.
Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc thống kê, ít nhất 18 người đã thiệt mạng và 30 người khác bị thương trong các vụ đụng độ giữa hai bên. Cơ quan này cũng cực lực lên án việc leo thang bạo lực chống lại những người biểu tình hòa bình.
Theo báo The Guardian (Anh), nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Yangon đình công phản đối cuộc đảo chính quân sự đã trở lại làm việc để điều trị người bị thương. Con số thương vong dự kiến tiếp tục tăng.
CNN cho hay các quan chức Myanmar nói rằng cảnh sát cũng đã bắt giữ 85 chuyên gia y tế và sinh viên, cùng với 7 nhà báo trong các cuộc biểu tình ngày 28/2. Theo nguồn tin này, tới nay đã có trên 1.000 người bị chính quyền quân sự Myanmar “tạm giữ hoặc bắt giam” kể từ ngày 1/2 tới nay, bao gồm cả các thành viên chính phủ dân cử trước đây.
Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres - ông Stephane Dujarric cho biết ông Guterres lên án mạnh mẽ hành xử quá tay của lực lượng cảnh sát Myanmar, bày tỏ quan ngại trước số lượng thương vong ngày càng tăng ở đây và chỉ trích việc bắt người hàng loạt là "không thể chấp nhận được", theo hãng tin Reuters.
"Tổng thư ký Antonio Guterres kỳ vọng các nước khác cùng chung tay gửi thông điệp rõ ràng đến quân đội Myanmar rằng họ cần phải lắng nghe ý nguyện của người dân và tôn trọng kết quả bầu cử", ông Dujarric khẳng định.
Bộ Ngoại giao Indonesia cùng ngày đã đưa ra tuyên bố chính thức liên quan đến tình hình an ninh bất ổn và cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar. Theo đó, Indonesia đề nghị lực lượng an ninh Myanmar không sử dụng bạo lực và kiềm chế để tránh thêm thương vong cũng như ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Indonesia bày tỏ rất lo ngại về sự gia tăng bạo lực ở Myanmar đã cướp đi nhiều sinh mạng. Tuyên bố có đoạn: "Xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân và gia đình của họ”.
Mộc Miên (T/h)