VietNamNet đưa tin, UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn, có hiệu lực từ ngày 2/5. Theo đó, Theo đó, UBND tỉnh quy định chặt chẽ về trách nhiệm của ngành giáo dục, các sở, ban, ngành liên quan và của các địa phương, hiệu trưởng, các cơ sở dạy thêm.
Cơ sở dạy thêm phải đảm bảo mỗi lớp học thêm có không quá 40 học sinh; không tổ chức dạy thêm, học thêm vào các ngày lễ, Tết trong năm theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, cơ sở dạy thêm không tổ chức dạy thêm, học thêm vào các khoảng thời gian trước 7h, từ 11h30 đến 13h30 và sau 21h30 hàng ngày.
Mỗi lớp học thêm không quá 2 giờ mỗi ngày và phải có thời gian cho học sinh nghỉ giữa buổi. Ngoài ra, các cơ sở cần tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm của người lao động.
Ninh Bình yêu cầu mỗi lớp học thêm không quá 2 giờ mỗi ngày và phải có thời gian cho học sinh nghỉ giữa buổi. Ảnh minh họa: Đại Đoàn Kết
Trước đó, vào ngày 14/2, Thông tư 29 về quản lý dạy thêm, học thêm do Bộ GD&ĐT ban hành bắt đầu có hiệu lực. Các trường chỉ được dạy thêm miễn phí với ba nhóm: chưa đạt, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký. Kinh phí được lấy từ ngân sách và các nguồn hợp pháp khác, theo VnExpress.
Ở ngoài trường, các cơ sở dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và đảm bảo các điều kiện theo quy định. Ngoài ra, các trung tâm phải niêm yết thời gian, học phí, nội dung học... Giáo viên không được phép dạy thêm có thu tiền với học sinh chính khóa của mình.
Ninh Bình yêu cầu các hiệu trưởng cập nhật, công khai danh sách giáo viên dạy thêm bên ngoài trên trang thông tin điện tử. Đồng thời, nhà trường phải báo cáo cơ quan quản lý việc này vào mỗi đầu học kỳ và cuối năm học.
Trước Ninh Bình, một số tỉnh, thành công bố hướng dẫn về quản lý dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, hiếm địa phương quy định chi tiết về thời gian tổ chức học thêm. Mới đây, TP.HCM dự kiến cấm các cơ sở dạy thêm hoạt động sau 20h để đảm bảo sức khỏe học sinh.