VTC News dẫn thông tin từ tờ SCMP, Tòa án Nhân dân quận Yanta của Tây An (TP.Tây An, Thiển Tây, Trung Quốc) mới đây công bố "lệnh cấm làm việc" đầu tiên ở thành phố này nhằm trừng phạt hiệu trưởng một trường tiểu học ở đây.
Vì nghiện cờ bạc và nợ số tiền khổng lồ, hiệu trưởng tên Du lợi dụng vai trò giáo viên kiêm hiệu trưởng để lừa dối phụ huynh rằng mình quen thân "thầy Văn" phụ trách tuyển sinh tại một trường danh tiếng, lừa họ số tiền kể trên.
Người này đã lừa 10 phụ huynh học sinh với ố tiền hơn 4 triệu nhân dân tệ (khoảng hơn 13 tỷ đồng).
Tòa án kết tội lừa đảo, Du bị kết án 11 năm 6 tháng tù và bị phạt 800.000 nhân dân tệ (khoảng 2,6 tỷ đồng). Người đàn ông này bị cấm làm các nghề liên quan đến giáo dục trong vòng 5 năm, kể từ ngày chấp hành xong bản án hoặc được ân xá.
Du bị kết án 11 năm 6 tháng tù và bị phạt 800 nghìn nhân dân tệ (khoảng 2,6 tỷ đồng) vì tội lừa đảo. Ảnh minh họa.
Sự việc này được dư luận Trung Quốc rất quan tâm. Ngoài sự lừa đảo và bản án cho giáo viên Du, cư dân mạng còn bàn luận rất nhiều về việc tại sao các bậc phụ huynh lại rơi vào bẫy lừa của Du một cách dễ dàng như vậy.
Những năm gần đây, các vụ lừa đảo kiểu "chạy tiền vào trường danh tiếng" xảy ra thường xuyên ở nhiều nơi tại Trung Quốc. Bài học của mỗi vụ lừa đảo đều đau đớn như nhau. Cha mẹ mất tiền và học sinh không được vào ngôi trường mong muốn.
Dù bất cứ ai có chút kiến thức về tuyển sinh đều có thể dễ dàng vạch trần chiêu trò "đút tiền vào trường danh tiếng" này là lừa đảo, vẫn rất nhiều người tin vào trò lừa đảo xưa cũ ấy. Thực trạng này được cho là liên quan đến khao khát cho con học trường danh tiếng của phụ huynh, trong khi các cơ quan liên quan không có biện pháp thích hợp để chống những hành vi gian lận.
Một sự kiện khác liên quan đến bê bối chạy trường và các gia đình Trung Quốc được xác định là nhóm đã bỏ nhiều tiền nhất, có gia đình chi đến 6,5 triệu USD để giúp con vào đại học ở Mỹ.
Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin từ tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết, các gia đình người Trung Quốc thuộc nhóm những "khách hàng" đã chi mạnh tay nhất trong bê bối gian lận "mua chỗ" vào các trường đại học danh giá ở Mỹ, vừa bị phanh phui thời gian qua.
Theo đó, trong khi một số gia đình Mỹ liên quan tới bê bối chạy trường đã bỏ ra 250.000 - 400.000 USD để mua cho con một chỗ trong các trường đại học top đầu của Mỹ, có 2 gia đình Trung Quốc thậm chí đã bỏ ra cả triệu USD để "dọn chỗ" cho con.
Cụ thể, nguồn tin của WSJ cho biết một gia đình Trung Quốc (hiện tờ báo Mỹ vẫn chưa xác định được chính xác danh tính của họ) đã trả 6,5 triệu USD cho ông William "Rick" Singer, một chuyên viên tư vấn đại học tại California, cũng là người đã thừa nhận đứng ra tổ chức đường dây chạy trường.
Đài ABC News cũng đã dẫn nguồn tin của họ xác nhận thông tin mà báo WSJ đưa trước tiên về khoản tiền chạy trường lên tới 6,5 triệu USD. Khoản tiền này được cho là mức lớn nhất được biết cho tới nay liên quan tới bê bối.
Ngoài ra, một gia đình Trung Quốc khác của nữ sinh Sherry Guo cũng đã trả cho ông Rick Singer 1,2 triệu USD để có được một suất học tại Đại học Yale.
Để cô Sherry Guo vào được Đại học Yale, theo cáo trạng tại tòa, ông Singer cũng đã phải trả cho bà Rudolph Meredith, cựu huấn luyện viên đội bóng nữ của Trường đại học Yale, 400.000 USD, để giúp nữ sinh Guo trở thành vận động viên tham gia đội bóng nữ này.
Tuy nhiên theo luật sư của cô Guo, nữ sinh này hiện không còn học tại Yale và cũng không ai trong gia đình cô bị buộc tội trong bê bối chạy trường mặc dù cuộc điều tra vẫn đang diễn ra.
Tờ WSJ nhận xét tổng số tiền mà các gia đình Trung Quốc bị cáo buộc bỏ ra để chạy trường cho con họ đã vượt rất nhiều so với tổng số tiền mà 33 phụ huynh khác liên quan bê bối chạy trường đang đối mặt với các cáo buộc phạm pháp ở vụ việc này.
Thùy Dung (T/h)