Thầy Trương là giáo viên cấp 3 đã có hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy. Ông từng dạy rất nhiều thế hệ, hàng năm đều có học sinh cũ về thăm. Tuy nhiên, thầy Trương tiết lộ, những người trở về sau khi tốt nghiệp phần lớn là học sinh “cá biệt”. Dưới đây là quan điểm cá nhân của nhân vật.
Lý giải cho việc học sinh có thành tích tốt thường ít về thăm, ông đưa ra 3 lý do:
Thành tích không tương xứng với kỳ vọng
Thông thường, kỳ vọng của “học sinh giỏi” sẽ cao hơn. Ví dụ, nếu một học sinh thường đứng đầu lớp, giáo viên sẽ đặt kỳ vọng cao hơn, hy vọng bạn đó có thể đỗ đạt vào một trường top cao, sau này làm vị trí tốt.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, thành công không bao giờ dễ dàng như vậy. Đôi khi điểm cao trên giảng đường thôi chưa đủ. Khi thực sự ra ngoài xã hội, một người muốn thành công còn cần nhiều kỹ năng khác. Do đó, việc học sinh giỏi không thành công được như kỳ vọng là chuyện thường tình.
Đối mặt với thực tế như vậy, nhiều người không muốn làm thầy cô thất vọng và khó chấp nhận thất bại của chính mình. Phần lớn là bởi họ không có đủ tự tin để đối mặt với thầy cô.
Họ không phải là những người vô ơn, nhưng khi kỳ vọng và thành tích không tương xứng, việc đối mặt với bạn cùng lớp và thầy cô lại trở thành chướng ngại vật trong lòng.
Tiếp xúc với nhiều người, công việc bận rộn
Sau khi bước qua ngưỡng cửa cấp 3, hầu hết sẽ mở rộng mối quan hệ của mình. Công việc bận rộn, thay đổi nơi ở là điều không thể tránh khỏi.
Nhiều người thậm chí sẽ định cư ở các thành phố lớn sau khi đi làm. Vì thế, thời gian về quê của họ sẽ ít hơn. Ngay cả khi được về nhà, thời gian của họ cũng bị giới hạn. Một năm chỉ về nhà vài lần vào các dịp lễ lớn, việc dành thời gian thăm thầy cô cũng chẳng còn.
Mối quan hệ thầy trò không đủ “sâu đậm"
Thành tích của một số học sinh không đến từ một yếu tố. Ngoài công dạy dỗ của thầy cô, những kết quả mỗi người có được còn dựa vào sự nỗ lực của bản thân và cả sự hậu thuẫn của gia đình. Hơn nữa, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều người có tâm lý rụt rè, không dám gần gũi với thầy cô.
Ảnh minh họa.
Tại sao những học sinh “cá biệt” lại quan tâm thầy cô hơn sau khi ra trường?
Theo thầy Trương, điều này không hoàn toàn khó hiểu. Ban đầu, một đứa trẻ có thành tích chưa tốt có thể là do thói quen xấu, ảnh hưởng của môi trường gia đình… Thời gian này, thầy cô là người đồng hành với học sinh sát sao, dần dần đưa các em đi đúng hướng và sửa những thói quen xấu.
Thời gian, sức ảnh hưởng của giáo viên lúc đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức của các học sinh “cá biệt”. Đặc biệt sau khi trưởng thành hơn, có nhiều kinh nghiệm sống hơn, những người này sẽ càng cảm nhận được lời nói và việc làm của thầy có ý nghĩa như thế nào, từ đó càng biết ơn thầy hơn.
Nếu Việt Nam có ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 để tri ân các thầy cô thì bên nước bạn Trung Quốc, ngày 10/9 được chọn là ngày nhà giáo. Vào ngày này, nhiều thế hệ học sinh cũng như các bậc ông bà, cha mẹ Trung Quốc đến viếng thăm các đền, miếu thờ những vị hiền triết có công tạo dựng nền giáo dục và triết lý sống nhân sinh quan của Trung Quốc như Lão Tử, Khổng Tử, Trang Tử . Ngày nhà giáo là một sự kiện lớn ở Trung Quốc, được tổ chức trang trọng.
Nguyễn Linh (T/h)