Mỗi giống khoai có hương vị và kết cấu khác nhau. Tùy theo ý thích, bạn có thể chọn mua khoai lang tím, khoai lang vàng, khoai lang trắng hoặc khoai lang mật... Tuy nhiên, khi mua, bạn chú ý lựa chọn củ có kích thước vừa phải, cầm nặng tay.
Củ khoai lang còn lành lặn, vỏ nguyên vẹn và không có đốm đen, không có dấu hiệu bị mốc. Theo kinh nghiệm, củ khoai lang tròn chứa nhiều bột hơn so với củ khoai lang dài, thường bở tơi hơn khi luộc.
Khoai lang có mùi thơm tự nhiên, nếu thấy có mùi hắc, mùi cay thì đó là dấu hiệu khoai bị hỏng, nhiễm khuẩn (người ta thường gọi là khoai bị hà, khoai bị sùng).
Sau khi mua khoai lang về, bạn có thể đem đi chế biến ngay. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm dân gian, nếu như muốn khoai lang ngọt hơn thì bạn nên để khoai ở nơi thoáng mát trong vòng khoảng 5-7 ngày.
Trong thời gian này, khoai lang sẽ xuống nước (có nghĩa là nước trong khoai bốc hơi bớt). Khi đó, khoai lang sẽ có lượng đường cao, vị ngọt đậm hơn so với khoai lang vừa thu hoạch.
Theo kinh nghiệm dân gian, nếu như muốn khoai lang ngọt hơn thì nên để khoai ở nơi thoáng mát trong vòng khoảng 5-7 ngày. Ảnh minh họa
Một trong những bí quyết để giữ độ thơm ngon cho khoai lang luộc chính là giữ nguyên vỏ để luộc. Lớp vỏ giúp giữ dưỡng chất cho củ khoai lang, giúp khoai không bị bở nhạt.
Trước khi luộc, bạn chỉ cần cắt bỏ hai đầu của củ khoai lang là được. Đây là khu vực có nhiều xơ, hơn nữa vị cũng khá nhạt. Cắt bỏ phần đầu củ khoai cũng chính là một mẹo giúp khoai nhanh chín hơn.
Một mẹo nhỏ khác giúp khoai lang mau chín và chín đều là dùng que xiên nhọn hoặc là một chiếc dĩa chọc nhiều lần lên xung quanh củ. Bạn cũng có thể lấy dao khía vài đường vào củ khoai lang. Việc này sẽ giúp hơi nước phân tán đều hơn, rút ngắn thời gian luộc và làm khoai lang chín đều.
Để luộc khoai lang, bạn đổ nước vào nồi, đun đến khi sôi mới bỏ khoai lang vào. Cách này không chỉ giúp rút ngắn thời gian luộc mà còn giúp khoai giữ được độ ngọt ban đầu.
Thời gian luộc khoai lang chín tới là khoảng 10-15 phút, sau đó bạn hãy chuyển sang lửa nhỏ, để trong 10 phút. Khi tắt bếp, bạn gạn toàn bộ nước trong nồi đi, rồi để khoai trong nồi thêm 15 phút. Hơi nóng của bếp sẽ giúp làm khô vỏ khoai, nhờ đó khoai thêm mềm và ngọt hơn.
Ngoài cách luộc trên, bạn có thể tận dụng nồi cơm điện hoặc lò vi sóng để luộc khoai lang. Với cách luộc khoai lang bằng nồi cơm điện, lượng nước để ngập nửa củ là được.
Bạn bật nút nấu và đợi khoai chín, đến khi nồi cơm chuyển sang chế độ giữ ấm thì kiểm tra xem khoai lang đã chín hay chưa bằng cách dùng đũa đâm xuyên qua củ khoai.
Nếu thấy củ khoai mềm, đũa có thể xuyên qua dễ dàng thì khoai đã chín. Nếu như chưa chín, bạn bật lại nút nấu để nấu thêm một chút nữa. Nếu thấy nước trong nồi cạn, bạn có thể thêm nước mói.
Với cách luộc khoai lang bằng lò vi sóng, bạn dùng giấy ăn bọc kín củ khoai lang trước khi làm chín. Việc này sẽ giúp khóa ẩm, giữ cho khoai lang không bị khô. Bạn có thể sử dụng màng bọc thực phẩm thay cho giấy ăn nhưng phải tìm mua loại có khả năng chịu nhiệt cao, sử dụng được trong lò vi sóng.
Sau khi bọc khoai xong, bạn cho vào đĩa sứ và đặt trong lò vi sóng. Tùy theo công suất lò và kích thước củ khoai, thời gian làm chín sẽ khác nhau, tuy nhiên nhưng thông thường sẽ mất khoảng 5 phút để làm chín một củ. Với các củ có kích thước to, bạn cần tăng thời gian luộc lên khoảng 8-9 phút.