Chỉ trong tháng 6/2014, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có đến 2 phụ nữ thiệt mạng vì bạo lực gia đình. Đây là nỗi đau của gia đình nạn nhân và là hồi chuông cảnh báo toàn xã hội về hành vi bạo lực gia đình.
Bạo lực gia đình cần phải được ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc.
Những thảm án gia đình
Đã ngót 1 tháng trôi qua nhưng vụ án mạng xảy ra vào ngày 4-6 khiến người dân ấp Tân Thiện, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy vẫn chưa hết bàng hoàng. Nạn nhân là bà Nguyễn Thị S., 57 tuổi và hung thủ chính là người chồng cùng chung sống với bà hơn 30 năm qua.
Bà S. không thể tiếp tục chịu đựng cảnh chồng ngày ngày say khước về nhà chì chiết, hành hung, thậm chí đe dọa giết chết khi vợ chồng mâu thuẫn, cãi vã. Thế nên dù đã bước sang tuổi “xế chiều” và có con cháu đề huề, bà S. cũng quyết lòng xin ly hôn. Thế nhưng mong muốn được thoát khỏi vòng bạo lực gia đình của bà S. đã không thể thực hiện.
Sáng ngày 4-6, bà S. đến Tòa án nhân dân huyện Cai Lậy nộp đơn xin ly hôn thì tối hôm đó bà đã vĩnh viễn ra đi vì những nhát dao chí mạng của người chồng từng đầu ấp tay gối. Mẹ chết thảm, cha rơi vào vòng lao lý là bi kịch gia đình mà các con của bà S. đang phải đau đớn gánh chịu.
Chỉ hơn 1 tuần sau cái chết bi thảm của bà S., ở TP. Mỹ Tho lại xảy ra 1 thảm án gia đình khác mà nạn nhân cũng chính là phụ nữ chân yếu tay mềm: Chị Mai Xuân Lan T. (40 tuổi, ngụ ấp Bình Phong, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) bị chồng dùng dao đâm chết tại chỗ sau trận cãi vã. Theo kết quả khám nghiệm tử thi, nạn nhân bị đâm 9 nhát dao, trong đó có 1 vết thương xuyên ngực, thủng tim, thủng phổi, gây mất máu cấp dẫn đến tử vong.
Được biết, chị T. kết hôn với Hùng được hơn 6 năm. Hằng ngày, chị T. đi gom rác thuê, còn chồng làm công cho garage ô tô ở TP. Mỹ Tho. Họ đã có 1 cô con gái, gia đình thuộc diện khó khăn. Tại cơ quan công an, bước đầu Hùng (chồng T.) khai nhận do không kềm chế được cơn ghen nên đã dùng dao đâm chết vợ.
Cách giải quyết mâu thuẫn gia đình bằng hành vi bạo lực là không thể chấp nhận được. Trong 2 thảm án gia đình này, 2 hung thủ đã đành tâm đoạt mạng vợ bằng hung khí một cách dã man. Chắc chắn kẻ thủ ác sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng, nhưng nỗi đau, sự ám ảnh vẫn sẽ mãi vò xé tâm can người thân của họ.
Bạo hành gia đình không chỉ xảy ra giữa vợ chồng mà còn là lối hành xử bạo lực của những cá nhân trong gia đình đối với nhau, hậu quả của nó là không hề nhỏ.
Báo Ấp Bắc vừa tiếp nhận đơn cầu cứu của chị Nguyễn Thị G., 27 tuổi, ngụ xã Bình Đức, huyện Châu Thành. G. cho biết, cô thường xuyên bị mẹ chồng đánh, mắng thậm tệ, lần bị đánh gần nhất khiến cô trọng thương, phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị. Dù đã hơn 10 ngày sau khi bị đòn roi của mẹ chồng, nhưng trên mặt, mắt, tay, chân của cô gái này vẫn còn những vết bầm tím do bị mẹ chồng dùng tay và cây tràm đánh.
Ảnh minh họa. |
Chị Cẩm Giang là hàng xóm của gia đình chồng G. cho biết: “Gia đình nhà chồng của G. thuê đất của Sư đoàn 8 (trong khu căn cứ Đồng Tâm) canh tác. Khoảng 6 năm trước G. theo chồng về đây sinh sống. Do tính tình mẹ chồng của G. hung dữ nên tôi không có qua lại, không biết mâu thuẫn bên trong gia đình này như thế nào, nhưng 2 năm nay tôi chứng kiến hơn 20 lần G. bị mẹ chồng đuổi đánh.
Gần đây tôi có mua xoài của gia đình nhà chồng của G., được biết sau khi bị mẹ chồng đánh, G. còn bị mẹ chồng lấy hết tiền, điện thoại và không cho ăn cơm. Tôi thấy tội nghiệp nên cho G. cơm ăn và đưa đi bệnh viện khám. Thấy tôi giúp G., cha mẹ chồng và chồng của G. đã đến nhà tôi mắng chửi, đặt điều xỉ nhục vợ chồng tôi và yêu cầu không được giúp đỡ G. nữa. Tôi rất bức xúc nên đến Công an xã Bình Đức trình báo nhờ xử lý”.
Khi chúng tôi hỏi vì sao bị bạo hành trong thời gian dài mà không báo cơ quan chức năng can thiệp thì G. tâm sự: “Em không biết chữ, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình chồng. Mẹ chồng em nói, nếu ly dị thì không được nuôi con và không được gặp mặt con. Mỗi lần có chuyện xích mích thì cha với mẹ cấm không cho em gặp mặt con, em phải ở dưới chòi và không được ăn cơm. Em cũng không dám nói với gia đình bên ruột vì sợ cha mẹ buồn và vì trước đây em đã cãi lời cha mẹ đi theo chồng em”.
"Tảng băng nổi"
Nghiên cứu Quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam được Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp quốc công bố ngày 25/11/2010 cho kết quả: Có 3 hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng là bạo hành về thể xác, tình dục và tinh thần; 58\% phụ nữ được khảo sát cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất 1 hình thức bạo hành gia đình nêu trên.
Tuy nhiên, con số thống kê được về bạo hành gia đình chỉ là bề nổi, còn trên thực tế số trường hợp bạo hành gia đình trong cộng đồng còn nhiều hơn gấp nhiều lần, nhưng không phát hiện được do nạn nhân cố tình che giấu vì xấu hổ. Phần lớn trường hợp bạo hành gia đình chỉ bị phát hiện khi hành vi bạo hành đưa đến hậu quả nghiêm trọng.
Chính thái độ cam chịu, nhẫn nhục, che giấu của phụ nữ đã khiến mức độ bị bạo hành của họ càng nặng nề hơn. Báo cáo của ngành Tòa án, trung bình mỗi năm có 600 vụ ly hôn do bạo lực gia đình, trong đó hành vi đánh đập, ngược đãi chiếm 54\% trong tất cả các vụ ly hôn.
Số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2009 đến giữa năm 2012, toàn tỉnh xảy ra trên 2.000 trường hợp bạo hành gia đình, trong đó có 1.536 nạn nhân là phụ nữ từ 16 đến 59 tuổi, nạn nhân còn lại là trẻ em và người già. Hình thức bạo hành chủ yếu là bạo hành thân thể, bạo hành tinh thần, bạo hành kinh tế và bạo hành về tình dục.
Tuy nhiên, đây chỉ là những con số mà các cơ quan chức năng thống kê được, còn vô số trường hợp bị ngược đãi, bạo lực trong gia đình xảy ra, nhưng vì đây là vấn đề được xem là “tế nhị” nên nạn nhân không nhờ cơ quan chức năng can thiệp. Trong số trên 2.000 trường hợp bạo hành gia đình được phát hiện, có khoảng 1.000 trường hợp được đưa ra tư vấn, hòa giải, góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư và 76 trường hợp bị xử phạt hành chính.
Bạo hành gia đình luôn bị lên án, nó ảnh hưởng xấu đến nhiều gia đình, là nỗi ám ảnh của biết bao gia đình có bạo lực xảy ra, để lại hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho nạn nhân trực tiếp của nó mà cho cả những thành viên khác trong gia đình, nhất là tác động xấu đối với trẻ em. Hiện nay tình trạng bạo lực xảy ra ngày càng phức tạp và có tính chất nguy hiểm, nhất là bạo hành trong thanh thiếu niên.
Nguyên nhân là trẻ thường xem những phim ảnh có tính bạo hành hoặc là trẻ thường xuyên bị ngược đãi… Điều này cho thấy, nếu trẻ sống trong môi trường an lành, hạnh phúc thì nhân cách của trẻ sẽ phát triển tốt và sau này sẽ giúp ích cho xã hội. Ngược lại, nếu trẻ sống trong môi trường bạo hành, không an toàn thì lúc nào trẻ cũng lo sợ, khi lớn lên trẻ sẽ dễ mặc cảm, thiếu tự tin… Đây cũng là điều đáng quan tâm của xã hội.
Theo Hạnh Nga/Báo Ấp Bắc