Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chồng cầm dao rượt chém, mẹ chồng cổ vũ đánh cho chết

(DS&PL) -

Tâm sự nhói lòng của người phụ nữ đang cư trú tại một phường trên địa bàn TP Huế: "Bị chồng thường xuyên đánh đập, ngược đãi, tui muốn ly hôn. Nhưng ly hôn rồi lại sợ bị

Tâm sự nhói lòng của người phụ nữ đang cư trú tại một phường trên địa bàn TP Huế: "Bị chồng thường xuyên đánh đập, ngược đãi, tui muốn ly hôn. Nhưng ly hôn rồi lại sợ bị xa con chịu không nổi. Tui bế tắc…".

Chị D ngậm ngùi nói: Không ai muốn “vạch áo cho người xem lưng”, nhưng khổ quá, không biết cầu cứu ai, tui suy nghĩ đến nát óc rồi mới tìm đến nhờ báo can thiệp, xem có cách nào làm cho chồng tui tỉnh ngộ.

Qua câu chuyện, biết chị D. là người tỉnh khác theo chồng đến TP Huế lập nghiệp. Thời son rỗi, làm lụng ki cóp được chút vốn liếng, chị D. không ngần ngại bỏ ra sửa sang ngôi nhà của mẹ chồng, những tưởng dưới mái nhà này, cuộc sống sẽ mãi mãi đầm ấm, bình yên cùng những người mà chị thương yêu.

Mười hai năm chung sống, vợ chồng sinh ba con. Thật không may, đứa con đầu đau ốm bệnh tật, tốn bao nhiêu tiền thuốc men sức khỏe cũng không khá lên được. Chồng làm thuê, vợ công nhân, tiền bạc chẳng dư dả gì, lại còn phải chữa bệnh cho con nên cuộc sống càng lúc càng túng quẫn. Nhưng điều khiến người phụ nữ này cảm thấy bế tắc, lại chính là cư xử của người chồng.

“Tiền bạc kiếm được, anh ta không đưa cho tui đồng mô. Lấy gì nuôi ba đứa con? Có lúc bực quá, tui cằn nhằn thì bị anh ta “thượng cẳng tay hạ cẳng chân”. Đã vậy mẹ chồng còn đổ thêm dầu vào lửa, bảo anh ta cứ đánh cho chết. Chuyện nhà, đánh chết cũng chẳng ai biết…”, chị D. ấm ức kể lại.

“Nhiều lần tui viết đơn ly hôn, chồng đã không ký lại còn xé đi. Nên tui chịu. Sau nhiều lần bị chồng đánh, có lần phải đến bệnh viện khám, điều trị, tui báo công an phường. Vậy nhưng, “người ta” lại cũng bảo chuyện nhà, chẳng thấy giải quyết gì cả”.

Ảnh minh họa.

Hỏi chị còn thương yêu chồng? Chị D. than thở, bị chồng đánh đập ngược đãi miết, tình cảm không còn. Chúng tôi “mách nước”, nếu đã không còn tình cảm vợ chồng, lại sợ bị đánh đập có thể gây tổn hại về sức khỏe và tính mạng (chị D kể chồng nhiều lần trong lúc đánh vợ, người chồng đó cầm dao rượt chém), chị nên gửi đơn ly hôn đến tòa án, yêu cầu tòa “giải phóng” cho.

Đơn đó không cần chữ ký của người chồng, tòa án vẫn thụ lý để giải quyết. Trong quá trình giải quyết, cán bộ tòa án sẽ tiến hành xác minh và quyền lợi chính đáng của người phụ nữ, con chưa thành niên sẽ được pháp luật bảo vệ. Và đúng là không ai muốn “bêu” chuyện xấu trong gia đình, nhưng nếu vẫn bị chồng đánh đập, thậm chí cầm dao rượt chém, thì trước mắt chị nên có đơn trình công an, yêu cầu can thiệp.

Không ngờ, chị D có vẻ như càng ủ rũ hơn. Chị kể, việc chị bị chồng đánh, tổ trưởng dân phố cũng chứng kiến. Thậm chí, chị mấy lần báo công an phường, nhưng một cán bộ công an lại bảo chuyện của gia đình, mãi vẫn không thấy có “động tĩnh” gì. Còn nếu ly hôn, phải “chia” con, chị sợ chịu không nổi khi phải xa đứa nào đó trong ba đứa con còn thơ dại.

Qua tìm hiểu, tổ trưởng dân phố nơi chị D. sinh sống cũng cho hay, cuộc sống gia đình chị D không mấy khá giả. Áp lực về kinh tế đã khiến gia đình này luôn xảy ra mâu thuẫn, xô xát.

Mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu trong gia đình này cũng không được tốt đẹp nên càng khiến cuộc sống gia đình ngày càng bế tắc. Ngày 3/6/2014, một cảnh sát trực ban công an phường cho biết, đơn vị có tiếp nhận đơn của chị D, “tố” chồng hành hung vợ nhiều lần, suýt mất mạng. Hiện cơ quan đang trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc.

Trong cuộc sống, bất kể ở thành thị hay thôn quê, đâu đó vẫn xảy ra tình trạng bạo lực gia đình như trường hợp chị D, khiến cuộc sống vợ chồng lẽ ra hạnh phúc lại trở thành “địa ngục”. Bị xâm hại về cả tinh thần, sức khỏe (thậm chí tính mạng), thiệt thòi nhiều nhất vẫn là người vợ và những đứa trẻ chưa thành niên. Vậy nên tốt nhất vẫn là “phòng bệnh”. Ngay từ đầu, vợ chồng phải có ý thức nhường nhịn, đừng nên “hơn thua” với nhau. Nhất là “chồng giận thì vợ bớt lời”, để giữ được êm ấm. Tuy nhiên, nếu người chồng quá “cố chấp”, không phân biệt đúng sai, có những hành vi bạo lực quá đà, vi phạm pháp luật, thì người vợ không còn cách nào khác là phải sớm nhờ pháp luật bảo vệ, đừng để cuộc sống rơi vào bế tắc và có những hành vi tiêu cực đáng tiếc.

Duy Trí - Linh Chi/Báo Thừa Thiên Huế

Tin nổi bật