Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Hữu Chính cho biết, công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý là một trong những nhiệm vụ then chốt của Hội Luật gia Việt Nam.
Nhằm phát huy thế mạnh của đội ngũ luật gia trên cả nước trong lĩnh vực này, Hội Luật gia Việt Nam đã tiến hành nhiều giải pháp củng cố kiện toàn 10 Trung tâm trực thuộc Trung ương Hội.
Ở địa phương, bộ máy làm công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý được phát triển rộng khắp trên phạm vi toàn quốc, đến nay, các cấp Hội địa phương đã có 101 Trung tâm tư vấn pháp luật và 71 chi nhánh Trung tâm tư vấn pháp luật tại cơ sở.
Ông Nguyễn Hữu Chính - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.
Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho đối tượng là người nghèo, dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách và những nhóm người yếu thế trong xã hội được các cấp Hội Luật gia đẩy mạnh.
Nhiều hình thức đa dạng đã được các cấp Hội triển khai như: Bào chữa, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mở các chuyên mục riêng trên các báo, bản tin pháp luật của Hội.
Nội dung tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực bám sát đời sống người dân như: Hình sự, hôn nhân, gia đình, thừa kế, hợp đồng dân sự, tranh chấp nhà ở, việc làm, các chế độ về trợ cấp mất việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp,...
Bên cạnh đó, các Trung tâm Tư vấn pháp luật ở nhiều địa phương còn phối hợp với các trại tạm giam, trại giam của các tỉnh thực hiện phổ biến, tư vấn pháp luật cho các đối tượng là phạm nhân, người sắp chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
Các cấp Hội còn tổ chức "Điểm tư vấn pháp luật miễn phí" cho công nhân tại các khu công nghiệp, tổ chức "ngày hội pháp luật", "diễn đàn tri thức pháp luật",... để giải đáp trực tiếp cho người dân những vấn đề pháp luật mà họ quan tâm.
Kết quả, riêng trong nhiệm kỳ vừa qua (2019-2014) các cấp Hội đã thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí được 542.500 vụ việc, tư vấn pháp luật có thu phí được hơn 21.500 vụ việc, tham gia tố tụng được hơn 76.500 vụ và đại diện ngoài tố tụng được hơn 10.700 vụ việc.
Các Chi hội trực thuộc Trung ương Hội đã tham mưu giúp lãnh đạo đơn vị giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến pháp luật chuyên ngành, giải đáp, hướng dẫn về pháp luật và nghiệp vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cho các Bộ, Ngành ở Trung ương và địa phương.
Điển hình làm tốt công tác trên là các Chi hội: Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và đào tạo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, VKSND Tối cao, TAND Tối cao...
Ông Nguyễn Hữu Chính cho hay, một trong những nhiệm vụ quan trọng khác của Hội Luật gia Việt Nam mới được triển khai từ năm 2022 là tham gia tiếp công dân. Thế mạnh rất lớn của giới Luật gia khi tham gia công tác này đó chính là sự khách quan.
"Hội Luật gia Việt Nam là cơ quan trung lập, cùng với vốn kiến thức pháp luật trên các lĩnh vực sâu rộng nên khi các tư vấn viên, tuyên truyền viên của Hội có ý kiến sẽ dễ dàng nhận được sự đồng thuận của người dân", Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Chính đánh giá.
Do đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Thanh tra Chính phủ đã nhất trí với đề xuất của Hội Luật gia Việt Nam tham gia hỗ trợ, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân trong việc khiếu nại, tố cáo tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương và các cấp.
Tính trung lập giúp công tác tư vấn pháp luật, tiếp công dân của hội viên Hội Luật gia Việt Nam dễ dàng nhận được sự đồng thuận của người dân. (Ảnh các tư vấn viên Điểm Tư vấn pháp luật cộng đồng miễn phí Hội Luật gia huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) hỗ trợ tư vấn pháp luật cho một người dân (giữa).
Theo đó, từ giữa tháng 7/2022, các Luật gia thuộc các Trung tâm Tư vấn pháp luật trực thuộc Hội Luật gia Việt Nam đã bắt đầu thực hiện tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp luật cho công dân tại Trụ sở tiếp dân Trung ương.
Ở các cấp Hội, nhiều tỉnh/thành Hội đã được UBND tỉnh, thành phố chấp thuận, đề nghị đại diện Hội Luật gia tham gia tiếp công dân với UBND tỉnh, thành phố theo định kỳ.
Ông Chính cho biết thêm, song song với công tác tiếp công dân, công tác tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở vốn là công tác thường xuyên của Hội cũng được đẩy mạnh. Việc phát huy và làm tốt những mặt công tác này đã góp phần quan trọng trong việc ổn định an ninh trật tự xã hội tại địa phương.
Theo đó, Hội Luật gia nhiều tỉnh/thành được cấp uỷ, chính quyền giao nhiệm vụ nắm tình hình, nghiên cứu và đề xuất giải pháp giải quyết và chủ động thực hiện các hoạt động để tiếp xúc, đối thoại với nhân dân nhằm giải thích cho nhân dân hiểu rõ bản chất của vụ việc và cách thức giải quyết tình huống hợp pháp và hợp lý.
Nhiều tỉnh, thành Hội đã tư vấn giúp chính quyền giải quyết nhiều vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; tham gia định kỳ các cuộc đối thoại với công dân do UBND tỉnh tổ chức. Tham gia nghiên cứu nhiều vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài và có ý kiến tư vấn cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong quá trình xem xét, giải quyết khiếu nại.
Để làm tốt công tác trên, Hội Luật gia Việt Nam đã thực hiện Chương trình phối hợp số 02 ngày 11/10/2018, với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam về việc giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở.
Theo Chương trình, Hội Luật gia các cấp đã kiến nghị giám sát một số vụ việc và tham gia thành viên các đoàn giám sát trực tiếp nhiều vụ việc. Tính đến nay, đã có 22 tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp về "giám sát và nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở".
Bên cạnh đó, để triển khai có hiệu quả hoạt động hòa giải theo quy định, Hội Luật gia Việt Nam đã chú trọng xây dựng, củng cố các tổ chức hoạt động hòa giải như xây dựng và tăng cường năng lực các trung tâm tư vấn pháp luật, thí điểm các mô hình Trung tâm Pháp luật cộng đồng. Triển khai các văn bản có tính chất định hướng, hướng dẫn ch các cơ sở hòa giải. Thực hiện chức năng hòa giải theo đúng quy định.
Chú trọng tăng cường đội ngũ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đơn vị chức năng trong quá trình thực hiện hoạt động hòa giải ngoài tòa án theo quy định; vận động hội viên tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở, triển khai mô hình huy động Luật gia hỗ trợ nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở. Riêng nhiệm kỳ vừa qua, các cấp Hội trên cả nước đã tham gia hoà giải hơn 337.600 vụ việc.
"Kết quả có ý nghĩa quan trọng góp phần hạn chế bức xúc, đơn thư khiếu nại vượt cấp của nhân dân. Từ đó, góp phần ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế xã hội của địa phương", Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Chính đánh giá.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Chính cho biết thêm, thời gian tới, Hội Luật gia Việt Nam sẽ có những kế hoạch cụ thể để phát huy sức mạnh của hơn 100.000 hội viên trên cả nước. Điều này nhằm thực hiện hiệu quả tinh thần "hướng về cơ sở" theo Chỉ thị 14 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới, hoàn thành tốt hơn nữa những mặt công tác trên.