Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Loài vật "xấu đến mức khó tả", chỉ nhìn 1 lần cũng đủ để bạn ám ảnh cả đời

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Sở hữu vẻ ngoài bị nhận xét là "xấu không còn chỗ nào để khen", loài vật này đã chính thức được một hiệp hội bình chọn là động vật xấu nhất hành tinh.

Trên thế giới có rất nhiều loài động vật sở hữu ngoại hình kỳ dị, bị chê là xấu xí. Ví dụ điển hình như cá mặt quỷ, loài vật xấu từ cái tên đến vẻ bề ngoài. Tuy nhiên, chúng không phải loài vật xấu xí nhất thế giới. Loài động vật ẵm danh hiệu này là cá blobfish (cá giọt nước).

Theo báo Phụ nữ Việt Nam, danh hiệu “loài động vật xấu xí nhất thế giới” của cá giọt nước thậm chí đã được công nhận bằng một tổ chức hẳn hoi. Vào năm 2013, nó đã giành “chiến thắng” trong cuộc thi bầu chọn loài động vật xấu nhất hành tinh do Hiệp hội Bảo tồn Động vật Xấu xí (Ugly Animal Preservation Society) đến từ Anh tổ chức.

Lúc bấy giờ, hiệp hội này đang tìm kiếm một linh vật có thể đại diện cho tất cả các loài động vật có ngoại hình kém hấp dẫn khiến chúng ít được quan tâm hơn so với những loài khác. Hiệp hội đã giải thích cho giải thưởng của mình: "Những chú gấu trúc đã được chú ý quá nhiều".

Bề ngoài của cá giọt nước có màu trắng sữa, ngả hồng. Ảnh: Internet.

Kết quả của cuộc thi đã không gây tranh cãi quá nhiều vì hầu hết mọi người đều phải công nhận cá giọt nước mang hình dáng khiến người ta phải ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Bề ngoài của cá giọt nước có màu trắng sữa, ngả hồng. Cơ thể chúng phồng rộp lên và tạo cảm giác sẽ dính dính như thạch, nặng tay. Nếu nhìn trực diện gương mặt, cá giọt nước trông rất dị khi nhiều nếp nhăn xô vào nhau, cái miệng méo xệch, chảy xệ. Thoạt nhìn, cá giọt nước luôn mang đến cảm giác buồn bã cho người đối diện nó. Có người nhận xét nó trông giống Ditto trong Pokemon.

Cá giọt nước là hậu duệ của cá Psychrolutes marcidus. Loài cá này chủ yếu chỉ sống ở ngoài khơi xa bờ biển Australia, khoảng cách từ 600 – 1.200m so với mực nước biển. Đây là độ sâu vượt ngoài khả năng lặn của con người. Nếu muốn xuống đó, chúng ta cần có tàu ngầm cường độ cao.

Sống ở độ sâu đó, cá giọt nước đành phải tiến hóa để chịu được áp suất khủng khiếp. Chúng không còn xương, các mô cơ, thịt trở nên rất mềm. Bên cạnh đó, cá giọt nước còn không có bong bóng cá bên trong cơ thể. Đây là điểm chung của các loài cá nước siêu sâu: tối giản bộ xương, thịt giống như thạch.

Khi tách khỏi môi trường sống quen thuộc, cơ thể cá giọt nước sẽ chảy xệ xuống một cách khó hiểu. Đây là kết quả của việc chênh lệch áp suất quá đột ngột. Nhiều lúc chúng có thể bị thương, vỡ nội tạng, nổ mắt và chết. 

Cá giọt nước thường chỉ ngồi yên, chờ con mồi tiến lại gần đến mức gần như vào miệng rồi mới săn mồi. Ảnh: Internet.

Nói cách khác, chỉ khi bị con người đánh bắt lên, cá giọt nước mới bị “phình” ra và trở nên xấu xí, khó coi như những gì chúng ta đã thấy. Còn thực sự khi được ở dưới đáy biển, môi trường thuộc về nó, cá giọt nước sở hữu hình dáng không hề xấu đến vậy mà trông giống như nhiều loài cá thông thường khác.

Ông Konrad Kurta, đại diện Quỹ bảo tồn Mountains to Sea, đơn vị tổ chức cuộc thi “Cá của năm”, chia sẻ rằng cá giọt nước có thể sống tới 130 năm, phát triển rất chậm và di chuyển cũng rất chậm.

Cá giọt nước thường chỉ ngồi yên, chờ con mồi tiến lại gần đến mức gần như vào miệng rồi mới săn mồi. Chúng cũng là những bậc cha mẹ rất tận tụy, với những con cái có thể đẻ đến 100.000 trứng trong một tổ duy nhất và bảo vệ tổ cho đến khi trứng nở”, ông giải thích

Theo Báo Tin tức & Dân tộc, cá giọt nước trở nên nổi tiếng hơn một thập kỷ trước khi một thành viên trên tàu nghiên cứu của New Zealand chụp được hình ảnh của loài cá kỳ lạ này. Ngoại hình đặc biệt của nó nhanh chóng trở thành một biểu tượng trên mạng xã hội và trong văn hóa meme (hình ảnh hài hước).

Mặc dù thông tin về tình trạng bảo tồn của loài này còn rất ít, nhưng quần thể cá giọt nước và môi trường sống của chúng được xem là dễ bị tổn thương, chủ yếu vì hoạt động đánh bắt bằng lưới kéo đáy biển sâu. Theo ông Kurta, cá giọt nước thường bị bắt khi ngư dân sử dụng lưới kéo để đánh bắt cá mú cam.

Cuộc thi “Cá của năm” do Quỹ bảo tồn Mountains to Sea phát động từ năm 2020, lấy cảm hứng từ cuộc thi “Loài chim của năm” rất nổi tiếng. Năm nay, cuộc thi thu hút đông đảo sự tham gia với 5.583 phiếu bầu, cao gấp năm lần so với 1.021 phiếu bầu của năm ngoái.

Cá giọt nước giành chiến thắng với 1.286 phiếu, vượt qua cá mú cam với 300 phiếu, dù loài cá này có nhiều người ủng hộ, bao gồm tổ chức Greenpeace và Forest & Bird.Ông Aaron Packard, người phát ngôn của Sáng kiến Luật Môi trường, nói: “Chúng tôi rất vui với thành tích của cá giọt nước. Thực tế, chiến thắng của cá giọt nước cũng là chiến thắng của cá mú cam”.

Ngoại hình đặc biệt của nó nhanh chóng trở thành một biểu tượng trên mạng xã hội và trong văn hóa meme. Ảnh: Internet.

New Zealand là quốc gia đánh bắt khoảng 80% sản lượng cá mú cam toàn cầu, và các tổ chức bảo vệ môi trường liên tục kêu gọi ngừng hoạt động đánh bắt này, do tác động tiêu cực của lưới kéo đến hệ sinh thái và sự dễ tổn thương của quần thể cá.

Bên cạnh cá giọt nước, các ứng cử viên khác trong cuộc thi năm nay bao gồm loài lươn vây dài bí ẩn (còn gọi là cá ngừ trong tiếng Māori), cá ngựa lùn, cá bùn đang bị đe dọa nghiêm trọng, cũng như các loài cá mập và cá đuối.

Ông Kurta cho biết: “New Zealand có rất nhiều loài cá biển và cá nước ngọt bản địa, đến mức thật khó để nắm bắt hết. Khoảng 85% trong số đó được coi là dễ bị tổn thương. Việc bảo vệ và giữ gìn sự sống cho những loài cá này chính là bước đầu tiên để mọi người chú ý và quan tâm đến những gì đang diễn ra trong môi trường đại dương”.

Tin nổi bật